Chính phủ lắng nghe
Trong một diễn biến trước đó, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua do những quy định còn chồng chéo nhau. Điển hình là có một số quy chuẩn PCCC của Việt Nam tương đương những quốc gia phát triển như Anh, Mỹ với quy định sử dụng các vật liệu xây dựng chống cháy, trong đó, có sơn chống cháy. Tuy nhiên, hiện tại trong danh mục những loại sơn được lưu hành tại Việt Nam lại không có các loại sơn chống cháy. Bên cạnh đó, trong khi một số công trình đang đầu tư theo quy định của văn bản cũ thì văn bản mới ban hành có những nội dung "khác hẳn", làm ảnh hưởng rất nhiều đến quy trình thẩm định và gián đoạn việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời, phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trong Công điện số 220/ CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với đó, phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC của công trình, cơ sở, phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh (hoàn thành trước ngày 30/4/2023).
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC (báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2023).
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định rõ vai trò, trách nhiệm xử lý ngay những hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn mình quản lý. Chỉ đạo có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC, phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Công điện cũng yêu cầu tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về PCCC ngoài thẩm quyền giải quyết để kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết (gửi về Bộ Công an, Bộ Xây dựng trước ngày 20/4/2023).
Doanh nghiệp kỳ vọng
Doanh nghiệp vui mừng trước chỉ đạo rất nhanh và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Công tác nghiệm thu PCCC gần như là khâu cuối cùng trong việc phê duyệt dự án, giống như một "nút thắt cổ chai", nếu không được xử lý dứt điểm sẽ gây ra ách tắc và rất khó để đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp bày tỏ sự hoan nghênh khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc hiện nay.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ sớm sửa đổi các quy định về PCCC kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất, khi siết chặt quản lý PCCC để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, các cơ quan nên có lộ trình để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất không bị đình trệ. Theo các chuyên gia, không thể hạ quá thấp các quy chuẩn, tiêu chuẩn vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng, chẳng hạn như nguy cơ cao do cháy nổ. Tuy nhiên, khi ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng phải tính toán toàn diện để tạo thuận lợi nhất, không để các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Tước mắt, sẽ có một số việc cụ thể cần phải giải quyết. Đó là cần bóc tách các cơ sở kinh doanh theo nhóm (ví dụ như các cơ sở kinh doanh xây dựng theo quy chuẩn cũ nhưng lại bị kiểm tra, nghiệm thu theo quy định mới ban hành). Các nhóm sẽ được phân chia theo mức độ ưu tiên, nhóm cần giải quyết gấp và nhóm cần có thời gian để giải quyết. Với mỗi nhóm, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Tuy nhiên, trước hết, các cơ sở kinh doanh phải có ý thức và tuân thủ các quy định PCCC. Như vậy những chỉ đạo, tháo gỡ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng mới có ý nghĩa./.