AI và Hóa đơn điện tử - Hai công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp F&B vươn lên trong kỷ nguyên số

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và nền kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành F&B (Thực phẩm và Đồ uống) đang phải đối mặt với những thách thức và cơ hội mới. Để thích nghi và dẫn đầu xu hướng,các doanh nghiệp F&B cần nắm bắt và ứng dụng hiệu quả những công cụ và giải pháp công nghệ tiên tiến.
huy07864-1727412616.jpg
Hội thảo "Xu hướng mới ngành F&B - AI marketing và hóa đơn tự động" chia sẻ về những thách thức và cơ hội mới của ngành F&B.

Hội thảo "Xu hướng mới ngành F&B - AI marketing và hóa đơn tự động" do Hiệp hội Ẩm thực TP HCM phối hợp với MobiFone, Vietcombank, Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM (HTCAA) tổ chức ngày 26/9 đã mang đến những chia sẻ thú vị và đầy bổ ích cho các chủ đầu tư nhà hàng, quán ăn, quán cà phê và những người kinh doanh trực tiếp trong ngành F&B.

Chia sẻ tại hội thảo, Thạc sĩ Ngô Hữu Thống – Viện trưởng viện nghiên cứu Ứng Dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI nhận định rằng ứng dụng AI trong marketing là xu hướng tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B tại Việt Nam. AI giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược marketing hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ tạo ra nội dung hấp dẫn, tự động hóa các quá trình marketing, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ứng dụng AI trong marketing là xu thế tất yếu, giúp doanh nghiệp F&B tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài việc chuyển từ kinh doanh offline sang online, doanh nghiệp cần tận dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng, cá nhân hóa nội dung marketing, tối ưu hóa quảng cáo và tự động hóa các hoạt động tiếp thị.

huy07530-1727412663.jpg
Thạc sĩ Ngô Hữu Thống – Viện trưởng viện nghiên cứu Ứng Dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI, chia sẻ tại hội thảo.

Ngoài AI Marketing, việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cũng là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành F&B. HĐĐT giúp doanh nghiệp quản lý hóa đơn thuận tiện, giảm thiểu chi phí in ấn, đồng thời tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. HĐĐT giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc xuất và lưu trữ hóa đơn, đồng thời hạn chế rủi ro về việc lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Bên cạnh những chia sẻ về AI và hóa đơn điện tử, hội thảo còn đề cập đến những thách thức mà doanh nghiệp F&B đang đối mặt và cung cấp những giải pháp tối ưu để khắc phục. Ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch HTCAA, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định về thuế và xuất HĐĐT để hạn chế rủi ro trong quá trình kinh doanh. Song song đó, hội thảo cũng khẳng định xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành, với hơn 91.8% doanh nghiệp đang tham gia hành trình này. Hơn 69,5% doanh nghiệp thừa nhận hiệu quả của phần mềm bán hàng đã giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn. Điều này cho thấy chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp F&B nâng cao hiệu quả hoạt động và thích nghi với bối cảnh kinh tế số đầy biến động.

huy07652-1727412721.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch HTCAA, chia sẻ những vướng mắc về thuế, Hóa đơn điện tử đối với ngành F&B.

Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ và dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng, việc quản lý và hạch toán hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn. Dữ liệu bán hàng được tập trung tại trụ sở chính và hệ thống máy tính tiền chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện kết nối và chuyển dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế. Trong thực tế, các giao dịch bán hàng thường được in phiếu tính tiền và lưu trữ trên hệ thống. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) chỉ được thực hiện khi khách hàng yêu cầu. Điều này dẫn đến việc cơ sở kinh doanh phải tổng hợp và lập HĐĐT dựa trên thông tin từ phiếu tính tiền vào cuối ngày.

Nhằm đơn giản hóa quy trình xuất hóa đơn và nâng cao hiệu quả quản lý, ngành Thuế đã khuyến khích việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế. Điều này giúp người bán hàng thuận tiện hơn trong việc xuất và lưu trữ hóa đơn. Tuy nhiên, ông Tịnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật thuế và thời gian xuất hóa đơn. Việc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thiếu kết nối HĐĐT với cơ quan thuế có thể dẫn đến việc bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ông Tịnh còn cho biết, để thúc đẩy và gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành F&B Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số là điều rất cần thiết. Doanh nghiệp cần thay đổi phương thức bán hàng truyền thống bằng cách tận dụng các ứng dụng giao đồ ăn thức uống trực tuyến để tiếp cận tối đa khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, sử dụng các thiết bị điện tử hỗ trợ hoạt động kinh doanh như hệ thống P.O.S giúp chính sách phục vụ và thanh toán trở nên tiện lợi và dễ dàng. Cuối cùng, việc sử dụng thanh toán ví điện tử, đẩy mạnh truyền thông online và ứng dụng các hệ thống quản trị dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng với quy mô lớn, chia sẻ, kết nối và hỗ trợ người tiêu dùng. Đây là những giải pháp mang tính chiến lược để ngành F&B Việt Nam vươn lên, tạo dựng vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế./.

Lê Thuận