Trên đây là phát biểu của ông Md. Ashraf Ahmed - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Dhaka (DCCI) Bangladesh tại Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladet và doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 7/8/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cả hai nước đều hết sức coi trọng phát triển quan hệ song phương hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn trong hợp tác song phương. Hội nghị là minh chứng cho nỗ lực và hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm biến các cơ hội của 2 nước thành hiện thực, bằng cách kết nối triển vọng thương mại và đầu tư song phương.
DCCI là một trong những Phòng Thương mai và Công nghiệp lớn nhất ở Bangladesh với hơn 5000 thành viên từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các doanh nghiệp lớn. DCCI cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của Bangladesh trên phạm vi toàn cầu và hỗ trợ các thành viên DCCI cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế về hợp tác xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư.
Đoàn doanh nghiệp của DCCI của Bangladesh đến TP. Hồ Chí Minh lần này bao gồm nhiều nhà xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất và doanh nhân với các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đa dạng, đặc biệt tập trung vào chế biến nông sản & thực phẩm, y tế, vật liệu xây dựng, điện tử, hàng may mặc, Công nghệ thông tin và dịch vụ hỗ trợ, Polymer & Hóa chất, Dược phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, hậu cần và du lịch.
“Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng và thịnh vượng, Bangladesh và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong những thập kỷ gần đây. Cả hai nước đều được đưa vào danh sách “11 quốc gia tiếp theo” của Goldman Sachs có tiềm năng cao để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI”, ông Md. Ashraf Ahmed chia sẻ.
“Chúng tôi nhận thấy rằng cả hai nước đã có những sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong những năm gần đây. Mặc dù thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng bối cảnh thương mại chỉ tập trung vào một số sản phẩm. Vẫn còn có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam bằng cách đa dạng hóa trao đổi thương mại hiện có”, ông Md. Ashraf Ahmed chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Bangladesh là cửa ngõ để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á. Bangladesh mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Bangladesh vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng và cạnh tranh nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Trong số các ưu đãi, có thể kể đến chính sách miễn thuế 100%, sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất đáng chú ý. Hơn nữa, Bangladesh đã thiết lập các Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTT) với hơn 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Quá trình công nghiệp hóa toàn diện, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng vật chất, tăng trưởng ổn định trong thương mại quốc tế và đầu tư tư nhân, thị trường trong nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, vay nợ nước ngoài thấp, chi phí sản xuất cạnh tranh và môi trường kinh doanh thân thiện đã được coi là động lực tăng trưởng cho Bangladesh, xây dựng thương hiệu nơi đây như một điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Tôi tin rằng các công ty Việt Nam sẽ coi Bangladesh là điểm đến đầu tư và kinh doanh hiệu quả. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh một số lĩnh vực mà Bangladesh và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau để tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy quỹ đạo kinh tế”, ông Md. Ashraf Ahmed chia sẻ.
Tại Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladet và doanh nghiệp Việt Nam, ông Md. Ashraf Ahmed nhấn mạnh 6 giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam với Bangladesh, bao gồm: Cả hai nước cần đẩy nhanh các nghiên cứu khả thi để tìm hiểu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) nhằm tăng cường ổn định quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước; Điều quan trọng là sớm bắt đầu kết nối hàng không trực tiếp giữa Dhaka và Hà Nội để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân; Cả hai nước có thể tiến hành nghiên cứu chung để xác định các rào cản phi thuế quan cũng như đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm xúc tiến thương mại;
Có rất nhiều cơ hội hợp tác thương mại đôi bên cùng có lợi giữa hai nước bao gồm nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trang trại, chế biến nông sản giá trị gia tăng, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm sữa và bánh kẹo, vật liệu xây dựng, dược phẩm, thiết bị y tế, máy móc công nghiệp, kỹ thuật ánh sáng, RMG cao cấp, điện tử, IT/ITES & Fin-tech và các sản phẩm halal; Sản phẩm của Bangladesh và Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau và cả hai nước đều có khả năng cạnh tranh trong các ngành sử dụng nhiều lao động, Bangladesh có thể học hỏi làm thế nào Việt Nam có thể thu hút thành công nhiều Hiệp định Thương mại Tự do với các nền kinh tế lớn như vậy; Du lịch là thế mạnh rất lớn của Việt Nam, có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này để hợp tác kinh doanh giữa Bangladesh và Việt Nam.
“Doanh nghiệp ở cả hai quốc gia cần nhận thức rõ hơn về các cơ hội tiềm năng và các quy định tiếp cận thị trường. Việc tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy thương mại song phương có thể thu hẹp khoảng cách nhận thức này. Chuyến thăm của phái đoàn doanh nghiệp DCCI sẽ mở rộng mối quan hệ kinh tế song phương lâu dài giữa Bangladesh và Việt Nam. Tôi hy vọng chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp DCCI và các cuộc gặp gỡ B2B với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm tăng thêm cơ hội thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, tôi ủng hộ các thành viên của phái đoàn doanh nghiệp DCCI tích cực hợp tác để dẫn dắt các cuộc thảo luận kinh doanh hiệu quả với các đối tác Việt Nam trong phiên kết nối B2B nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương”, ông Nasir Uddin - Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Bangladet tại Việt Nam chia sẻ.
“Vẫn có một tiềm năng lớn chưa được khai thác trong lĩnh vực thương mại song phương, có thể mở ra vô số cơ hội cho cả hai nước. Trong mối liên hệ này, việc trao đổi đoàn thương mại và tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp với doanh nghiệp một cách thường xuyên để xúc tiến thương mại sẽ giúp hai bên cùng hợp tác chặt chẽ hướng tới mục tiêu chung là mở rộng thương mại và đầu tư song phương, đạt được tầm cao mới trong hợp tác kinh tế”, ông Nasir Uddin chia sẻ thêm.
Có thể khẳng định, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladet và doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 7/8/2024 tại TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ hội và mạng lưới cho doanh nghiệp Bangladesh và Việt Nam mở rộng hợp tác kinh tế. Đồng thời, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khám phá những tiềm năng kinh doanh bổ ích trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Bangladesh bằng cách tương tác hiệu quả với đoàn doanh nghiệp Bangladesh đến thăm./.