Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong công tác giảm nghèo, chỉ số giảm nghèo ấn tượng đã được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam xác định nông nghiệp sẽ trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân dễ bị tổn thương trước các biến động của thế giới và gặp khó khăn trong tiếp cận xu thế thương mại thế giới.
Trong khi đó, ngành hàng lúa gạo với phương thức canh tác thâm dụng tài nguyên đánh đổi môi trường, đa dạng sinh học đang là một vấn đề lớn cần giải quyết, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng thế giới đang ngày càng khắt khe hơn. Bên cạnh đó, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, đó là: Cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, hiện Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống LTTP thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ, kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững. Bởi việc chuyển đổi hệ thống LTTP đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trước đó, vào ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Các yêu cầu chính là: Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm.
Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm; Hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...; Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm; Thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.
Theo đó, để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Hai là, phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Ba là, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bốn là, phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Năm là, thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy người nông dân thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với xu thế tự do thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, kiểm soát thất thoát lương thực,…
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp Việt nam đang xây dựng chương trình 1triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng theo phân bổ của Việt Nam; thí điểm tính toán dấu chân carbon cho sản phẩm lúa gạo, cà phê, một số loại cây ăn quả, thủy sản,…
"Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định./.