Chúng ta có thể bổ sung đạm bằng cách bón phân đạm, tận dụng phân xanh. Đặc biệt, biện pháp hiệu quả và bền vững để bổ sung đạm cho đất là trồng những loại cây cố định đạm. Ngày nay, cây họ đậu là loại cây được mọi người trồng phổ biến.
Cây muồng đen: Cây muồng đen là một loại cây thuộc họ Đậu, có khả năng cố định đạm trong không khí. Cây muồng đen có tên khoa học là Gliricidia sepium, có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Caribe. Cây muồng đen được trồng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cây muồng đen có khả năng cố định đạm trong không khí nhờ vào sự cộng sinh với vi khuẩn Rhizobium. Vi khuẩn Rhizobium sống trong nốt sần ở rễ cây, giúp cây cố định nitơ từ không khí thành đạm.
Khả năng cố định đạm của cây muồng đen rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cây muồng đen có thể cố định từ 150 đến 200 kg đạm/ha/năm. Cây muồng đen có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất nghèo dinh dưỡng. Cây có tán lá rộng, giúp che phủ đất, hạn chế xói mòn. Ngoài ra, cây cho nguồn sinh khối lớn, thân, lá cành chứa nhiều đạm nên khi dùng chúng để che phủ cũng là biện pháp bổ sung đạm cho đất và cây trồng. Việc trồng xen canh cây muồng đen giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí sử dụng phân bón đạm.
Cây muồng vàng: Muồng vàng hay còn gọi là lục lạc ba lá, cây sục sạc. Đây là một loài cây họ đậu thân bụi mềm lâu năm, thường cao khoảng 1-2m. Tương tự như các loại cây khác trong họ đậu, muồng vàng cũng có vi khuẩn cố định đạm Rhizobium cộng sinh trong các nốt sần ở rễ. Nên muồng vàng cũng giúp bổ sung một lượng lớn nitơ vào đất, tăng độ phì nhiêu cho đất. Bên cạnh đó, bộ rễ của cây giúp phá vỡ những lớp đất chai cứng, nén chặt. Giúp đưa nước và không khí vào sâu bên trong. Nhằm cải thiện cấu trúc đất, tạo môi trường cho các sinh vật đất hoạt động tốt hơn.
Cây muồng vàng phát triển nhanh, cho lượng sinh khối thân lá rất lớn. Lượng sinh khối này khi được phủ mặt hoặc vùi vào đất. Giúp tăng hàm lượng hữu cơ cho đất, giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn. Khi trồng muồng vàng với mật độ dày, sẽ giúp che phủ bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi các chất hữu cơ và dinh dưỡng ở tầng đất mặt. Các hàng cây muồng vàng cũng giúp chắn gió, che nắng tránh khô gốc rễ và cháy lá khi cây con rễ yếu chưa hút được nhiều nước.
Cỏ lạc dại: Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm, có lá và hoa tương tự như lạc ăn (đậu phộng), thân bò sát mặt đất. Rễ của lạc dại cũng có những nốt sần có vi khuẩn cố định đạm cộng sinh. Cây lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Lạc dại là một trong những loại cây họ đậu giúp cải tạo đất trồng rất tốt. Nhờ khả năng cố định đạm từ khí trời, lạc dại giúp bổ sung một lượng đạm đáng kể cho đất. Thân lạc dại bò sát mặt đất, lan rộng khắp vườn giúp che phủ, bảo vệ lớp đất mặt tối đa. Hạn chế được sự bốc hơi nước vào mùa khô, vào mùa mưa lại hạn chế được xói mòn rửa trôi dinh dưỡng.
Cây đậu xanh: Đậu xanh là loại cây có giá trị kinh tế được trồng nhiều ở nước ta. Ngoài giá trị là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Đậu xanh còn là loại cây cố định đạm. Giúp cung cung cấp một lượng đạm sinh học rất lớn cho đất và cây trồng nhờ cộng sinh với vi khuẩn nốt rễ. Đồng thời là cây phân xanh, cây che phủ, có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Trong các vườn trồng cây ăn quả, cây công nghiệp hay các hệ thống vườn trồng khác có thể xen canh với đậu xanh. Vừa cung cấp đạm sinh học cho các cây trồng chính. Vừa che phủ bảo vệ đất, tận dụng thân lá làm phân xanh, lại mang đến nguồn thu nhập phụ từ hạt. 4 loại cây cố định đạm trên vừa giúp chúng ta bảo vệ đất, vừa cung cấp đạm và nguồn sinh khối hữu cơ cho cây trồng chính để cây trồng phát triển. Đây cũng là bí quyết tạo ra hương vị đặc biệt cho nông sản của chúng ta./.