Cây Dâu tằm là cây thân cỗ có chiều cao 2-3m. Lá mọc so le nhau có hình bầu dục, đầu lá nhọn hoặc hơi tù. Hoa đực mọc thành bông, có lá đài và có 4 nhị hoa. Hoa cái có khi mọc thành bông, có khi thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả Dâu tằm màu đỏ, chín thường đen sẫm được dùng để làm thuốc, ngâm rượu hoặc ăn luôn sẽ có mùi thơm, vị chua ngọt.
Cây ưa sáng và ẩm nên thường mọc ở những nơi như bãi sông, đất đồng bằng. Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng trồng cây Dâu tằm trong vườn nhà để ăn quả. Trên thế giới, Dâu tằm xuất hiện ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ thuộc vùng ôn đới ấm hoặc cận.
Thu hoạch và bộ phận dùng của cây dâu
Bộ phận dùng: lá, quả, vỏ rễ cây dâu tằm. Lá non hoặc lá bánh tẻ sẽ được thu hái vào đầu mùa hạ. Vỏ rễ thu hái quanh năm còn quả được thu hái vào tháng 5-7. Dùng tươi hoặc phơi khô.
Cây dâu tằm có công dụng gì?
Theo Đông y, cây Dâu tằm có công dụng bổ thận, an thần, lợi tiểu, chữa rụng tóc và điều hòa kinh nguyệt. Vỏ rễ có vị ngọt mát giúp lợi tiểu, chữa ho có đờm, ho lâu ngày, cảm sốt. Lá cây vị ngọt, đắng, mát giúp chữa sốt, ra mồ hôi do cảm mạo, tiêu đờm, an thần và trị huyết áp cao. Quả Dâu có vị ngọt giúp bổ thận, hỗ trợ tiêu hóa, bổ thận, chữa mất ngủ, râu tóc bạc sớm. Cây mọc ký sinh trên cây Dâu tằm - tang ký sinh: giúp bổ gan thận, chữ đau lưng, an thai. Tang phiêu tiêu - tổ bọ ngựa trên cây dâu giúp lợi tiểu, chữa đi tiểu nhiều lần, di tinh, liệt dương. Sâu cây dâu tằm chữa trẻ bị đau mắt, nhử mắt, nhiều nước mắt.
Tổng hợp các bài thuốc từ cây dâu tằm
Cây Dâu tằm chữa bệnh huyết áp cao: Dùng trai sông, lá dâu, nấm ương, hành khô mang đi nấu cháo ăn hàng ngày vào buổi sáng sẽ giúp điều hòa huyết áp ổn định.
Giúp lợi tiểu, chữa đi đái nhiều lần: Dùng tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm để nướng khô, tán thành bột rồi pha với một chén rượu, uống lúc đói.
Ngăn ngừa rụng tóc, hói đầu: Lấy quả dâu tằm sắc nước uống hoặc ngâm quả với đường để uống thay nước giải khát. Ngoài ra, người bệnh có thể giã nát quả dâu lấy nước để gội đầu.
Chữa ra mồ hôi trộm ở trẻ em, mồ hôi tay ở người lớn: Dùng lá cây Dâu tằm non nấu canh với tôm. Hoặc có thể áp dụng bài thuốc 12g mỗi vị: lá dâu bánh tẻ, Cúc hoa, Liên kiều, Hạnh nhân, 4g mỗi vị: Bạc hà, Cam thảo, Cát cánh 8g, Lô căn 20g, sắc uống.
Chữa đau mắt, viêm kết mạc: Lá Dâu nấu nước xông vào mắt; hoặc dùng lá dâu bánh tẻ, rửa sạch, giã nát đắp vào vùng mắt để làm tan huyết.
Chữa viêm khớp sưng phù, chân tay tê bại, cước vào mùa đông: Dùng mỗi vị 12g: Cành Dâu, Uy linh tiên, Kê huyết đằng, sắc nước uống.
Điều trị ho lâu ngày, ho ra máu hoặc ho khan: rễ cây Dâu đem đi rửa sạch rồi cạo bỏ phần vỏ ngoài. Ngâm với nước vo gạo trong 24 tiếng. Sau đó đem đi sao vàng hạ thổ và cho vào bình thủy tinh để bảo quản. Mỗi lần dùng lấy khoảng 10 - 16 gram sắc thuốc uống.
Chữa thiếu máu, da xanh, mất ngủ, chóng mặt: Lấy quả Dâu tằm, nhân hạt táo, Câu Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, mỗi vị 10g, sắc uống.
Trừ phong thấp, mạnh gân cốt: Dùng cây tầm gửi trên cây dâu, phối hợp với Cẩu tích, Ngưu tất, sắc nước uống.
Di mộng tinh, hoạt tinh: 10 tổ Bọ ngựa sao cháy nghiền bột, sau đó thêm đường, uống trước khi đi ngủ, uống 3 ngày liên tục.
Đái dắt, đái nhạt: Tổ Bọ ngựa, quả Kim anh, mang đi nướng cháy, tán mịn, uống với rượu lúc đói.
Cây dâu tằm trị mất ngủ: Mỗi ngày dùng 6 - 18g lá dâu tằm mang đi sắc uống.
Lưu ý gì khi dùng cây Dâu tằm chữa bệnh
Người có cơ thể suy yếu, ho không đờm, ho do lạnh mà không có nóng sốt thì không nên dùng tang bạch bì; Người tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân không dùng tang thầm; Người bị viêm đường tiết niệu, có bệnh liên quan tới bàng quang, thận, mộng tinh không dùng tang phiêu tiêu; Phụ nữ đang cho con bú không dùng các vị thuốc từ cây dâu.
Tuy cây dâu tằm là một cây thuốc nam ít gây tác dụng phụ đối với sức khỏe con người nhưng trong một vài trường hợp người bệnh vẫn nên cẩn trọng khi sử dụng. Đối với người Việt Nam, cây Dâu tằm không chỉ cho những quả thơm ngon, bổ dưỡng mà còn được dùng để nuôi tơ, dệt lụa. Bên cạnh đó, trong Đông y, cây Dâu tằm được mệnh danh là tiên dược với các công dụng chữa bệnh cực kỳ hiệu quả./.