10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu đạt khoảng 37,2 tỷ USD, tăng 5,8%.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 10 đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022. Trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi là 35,3 triệu USD…

Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD; chăn nuôi 326,9 triệu USD; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD.

xk-1667091651.jpeg
10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hội CB&XKTSVN)

Đến nay, đã có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 02 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Cà phê gần 3,3 tỷ USD; cao su 2,8 tỷ USD; gạo trên 2,9 tỷ USD; hồ tiêu 829 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD, cá tra trên 2,1 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 13,5 tỷ USD; phân bón các loại 961 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 942 triệu USD.

Ở thị trường xuất khẩu, 10 tháng năm 2022, các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 44,1% thị phần), châu Mỹ (27,9%), châu Âu (11,5%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,7%).

Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước trên 37,2 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 22,7 tỷ USD, tăng 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước trên 2,3 tỷ USD, tăng 40,6%; nhóm lâm sản chính 2,7 tỷ USD, tăng 7,4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,7 tỷ USD, giảm 5,2%; nhóm đầu vào sản xuất ước 6,7 tỷ USD, tăng 11,3%.

Thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 30,4% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại dương chiếm 7,3%, châu Âu chiếm 4,3% và châu Phi chiếm 3,4%. Achentina, Hoa Kỳ, Trung Quốc là 3 thị trường cung cấp hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt là 9,0%, 8,7% và 8,4%.

Theo Bộ NN&PTNN, xuất khẩu nông sản tăng mạnh là do hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất, đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực.

Thêm nữa, doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã thích ứng nhanh, linh hoạt, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng đà phục hồi của các thị trường trọng điểm, khai thác tương đối hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng xuất khẩu.

Các chuyên gia dự báo, một số ngành hàng sẽ xuất khẩu vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm như: gạo vượt 6,5 triệu tấn, doanh thu dự kiến 3,5-3,6 tỷ USD; cà phê có thể cán mốc 3,9 - 4 tỷ USD...

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN phân tích, từ đầu năm đến nay, những biến động về địa chính trị, sự mất giá của các đồng tiền đã tác động đến hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng phi mã, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động co kéo, cắt giảm chi phí để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản về đích với con số kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.

Năm nay, với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, không khó để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu 50 tỷ USD, thậm chí có thể đạt cao hơn.

Hoàng Hà (t/h)