Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 180.000 ha trồng quế tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Với trữ lượng vỏ quế ước tính từ 900.000 đến 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch trung bình 70.000 - 80.000 tấn/năm. Trên thế giới, quế được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và Sri Lanka. Trong số khoảng 300 loài quế của thế giới, 4 loài có sản phẩm được lưu thông nhiều nhất trên thị trường quốc tế gồm: Quế quan/quế ceylon, quế bì/quế Trung Quốc, quế thanh/quế Việt Nam và quế rành.
Trong đó, quế quan được xem là loại quế có chất lượng tốt nhất. Quế quan chiếm 90% thị phần tại EU, nơi nổi tiếng với các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt. Mặc dù có nguồn cung cấp nội địa dồi dào, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại quế này từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu chế biến và củng cố vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 34,4% toàn cầu.
Dù Việt Nam sở hữu diện tích trồng quế lớn, trữ lượng quế dồi dào và sản lượng hàng năm ổn định nhưng quế Việt vẫn chưa thực sự xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, đặc biệt là về độ tinh khiết và hàm lượng tinh dầu, nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải nhập khẩu quế từ các nước có quy trình sản xuất đạt chuẩn. Ngoài ra, nhập khẩu quế giúp các doanh nghiệp Việt đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo ổn định sản xuất. Một số doanh nghiệp nhập khẩu quế để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và tăng lợi thế cạnh tranh.
Các chuyên gia nhận định, dù Việt Nam có nguồn quế phong phú, nhưng vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và đầu ra ổn định. Điều này dẫn đến tình trạng phá bỏ cây trồng do không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến giá trị thương mại.
Để thúc đẩy xuất khẩu quế, các chuyên gia nhấn mạnh cần tập trung giải quyết những vấn đề trọng yếu, bao gồm đẩy mạnh nghiên cứu và bảo tồn các giống quý hiếm. Tập trung phát triển các vùng trồng quế lớn, có chất lượng cao, gia tăng sản lượng thương mại và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao và phát triển thị trường quốc tế kết hợp với xây dựng thương hiệu thống nhất cho quế Việt Nam, quảng bá rộng rãi trên thị trường quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Cuối cùng, đầu tư vào dịch vụ logistics, đóng gói vận chuyển dễ dàng được xem là giải pháp thiết yếu tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững lâu dài.
Chuyên gia nhận định, việc Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu quế là một thực tế phức tạp, đòi hỏi cần có những phân tích kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp phù hợp. Để nâng cao vị thế của quế Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người trồng. Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất quế là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu cho quế Việt Nam không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế./.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), về tình hình xuất khẩu, Việt Nam đã thu về 249,2 triệu USD từ các sản phẩm quế kể từ đầu năm 2024, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu với hơn 34,4% kim ngạch toàn cầu.