Trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, mặc dù các đơn vị chức năng và doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực để đảm bảo xăng dầu phục vụ thị trường trong nước nhưng thời gian gần đây tình trạng hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở phía Nam đã đồng loạt "đóng cửa" không bán hàng gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân được báo chí phản ánh chủ yếu là do các cây xăng "hết hàng" nhập từ các đầu mối cung ứng. Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP. HCM cho biết người dân thường "đổ" lỗi cây xăng "găm hàng" đợi giá cao nhưng thực tế không có hàng để bán. Nhà nước đã có quy định còn xăng dầu thì dù có lỗ cũng phải bán, cửa hàng nào muốn đóng cửa (bất kỳ lí do nào - pv) phía doanh nghiệp phải làm công văn xin phép và phải được Sở Công Thương TP.HCM đồng ý bằng văn bản.
Vậy nếu trong trường hợp các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hàng nhưng không bán thì sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật gia Đặng Đình Đạo – Chánh văn phòng Trung tâm tư vấn pháp Luật tại TP. HCM (Hội Luật gia Việt Nam) xoay quanh vấn đề trên.
Theo Luật gia Đặng Đình Đạo, tại Điều 31, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền thấp nhất là 05 đến 10 triệu đồng và cao nhất là 80 đến 100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá cùng với mức xử phạt bổ sung gồm: (i) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; (ii) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; (iii) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, theo Điều 32, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hành vi găm hàng sẽ bị xử phạt 05 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31 mà không có lý do chính đáng: (i) Cắt giảm địa điểm bán hàng; (ii) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; (iii) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; (iv) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.
Phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31 mà không có lý do chính đáng: (i) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; (ii) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; (iii) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; (iv) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31. Đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Như vậy, theo Luật gia Đặng Đình Đạo, nếu các cửa hàng xăng dầu tại TP. HCM có dấu hiệu găm hàng, trục lợi sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 31 và Điều 32 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, nếu để xảy ra tình trạng găm hàng với mục đích tư lợi bất chính thì các cửa hàng xăng dầu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án phạt quy định theo Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, theo Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về mức xử phạt của tội “Đầu cơ” như sau: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 30 đến 300 triệu và cao nhất là 1,5 đến 05 tỉ đồng, đồng thời bị phạt tù thấp nhất từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là 07 đến 15 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 300 triệu và cao nhất là 09 tỉ đồng.
Do đó, để hạn chế, cũng như có thể xử lý triệt để tình trạng này, cơ quan chức năng cần thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang đóng cửa, tạm ngưng bán xăng một cách kỹ càng để phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp có hành vi găm hàng, còn hàng không bán nhằm trục lợi của các cửa hàng xăng dầu này để làm tiền đề nêu gương, tránh cho các trường hợp tương tự tái diễn - Luật gia Đặng Đình Đạo chia sẻ thêm.