Xây dựng đời sống văn hóa mẫu mực tại thôn Tam Á

Thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnhh Bắc Ninh, thời xưa là xã hàng đầu của tổng Tam Á, huyện Gia Định, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, là làng Việt cổ có mấy nghìn năm lịch sử.
17308757-1508696825831880-1465286867765925693-n-1694047840.jpg
Rước thánh Tam Á

Thôn lớn, dân đông tới trên 5.000 khẩu, chia thành 4 xóm và 1 phố là xóm Đền, xóm Chùa, xóm Thung, xóm lẽ và phố Tam Á. Thôn có 21 dòng họ quần tụ sinh sống gồm Ngô, Phạm Đình, Đặng, Phạm Khắc, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Phú, Nguyễn Hữu, Nguyễn Xuân, Nguyễn Tiến, Dương, Cao…

Phía nam thôn có khoảnh đất cao và rộng rãi là nơi xây đền và lăng Sĩ Nhiếp, người được sách “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi nhận là một triều đại chính thống, gọi là kỉ Sĩ Vương và đánh giá: Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc làm một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà có thể truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Thời Minh Mạng phong đền thờ Sĩ Nhiếp là Văn Miếu tiên nho, định lệ cúng tế. Các học giả phong kiến đều tôn xưng Sĩ Nhiếp là Nam Giao học tổ, ý sánh với Khổng Tử ở Trung Quốc trong việc mở mang nghiệp học. Đền và lăng Sĩ Nhiếp đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa từ năm 1964.

Nhờ đức thánh “Nam Giao học tổ” phù trợ, người Tam Á đã dựng xây nên truyền thống hiếu học và khoa bảng đáng tự hào. Thời Lê có các vị đỗ đại khoa, làm quan đại thần trong triều là Phạm Thịnh đỗ Tiến sĩ thời Lê Thánh Tông, hai lần đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư; Phạm Điển đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Phủ doãn; Phạm Liễn đỗ cử nhân. Thời nay người Tam Á vẫn giữ được truyền thống ấy, nhiều người đỗ đạt và được cử vào các chức vụ của Đảng và Nhà nước.

Tam Á là nơi có phong trào cách mạng sớm từ trước Cách mạng tháng Tám, tiêu biểu là các vị Phạm Khắc Thiêm, Nguyễn Văn Kiệt, Ngô Quát, Đặng Gia Thầm, Ngô Khôi, Cao Văn Sinh, Cao Văn Cam. Thôn có cụ Nguyễn Thị Chanh nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa, được tặng danh hiệu “Gia đình có công với nước”. Tổng kết kháng chiến, thôn có 102 đối tượng hưởng chính sách Thương binh, liệt sĩ; 21 liệt sĩ; 5 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Thái ở xóm Chùa còn sống.

Với lợi thế giao thông thuận tiện, Tam Á đang có sự chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp mạnh mẽ. Toàn thôn có trên 30 hộ kinh doanh máy xay xát kết hợp chăn nuôi, trên 500 lao động đi làm công ty, trên 50 người đi lao động xuất khẩu, chủ yếu ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến nay, thu nhập bình quân ở thôn Tam Á đạt chừng 33 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo còn 19 hộ, đạt 1,9%; số hộ cận nghèo là 26 hộ, đạt trên 2%.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, Tam Á có sự thay đổi bộ mặt làng quê nhanh chóng. Khu di tích đền và lăng Sĩ Nhiếp đã hư hỏng nặng từ nhiều năm trước, nay đang được đầu tư khôi phục. Năm 2008 đầu tư 2,8 tỉ đồng xây dựng đền Thượng. Khu di tích tiếp tục được hoàn chỉnh sau đó từ các nguồn tài trợ công đức của các tập thể và cá nhân. Chùa làng cũng được dân công đức hoàn thành năm 2014. Bên cạnh việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa truyền thống, Tam Á cũng xây dựng các thiết chế văn hóa mới với tốc độ mạnh mẽ. Chỉ riêng năm 2016 đã đầu tư xây dựng tới 34 tỉ đồng, gồm các hạng mục lớn: Trường Mầm non 7 tỉ đồng; Trường Tiểu học số 2 11 tỉ đồng; Nhà văn hóa thôn 3,8 tỉ đồng; Đường làng trên 9 tỷ đồng. Mục tiêu đến 2025 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, thành một làng quê mẫu mực.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cũng có nhiều khởi sắc. Thôn đã làm được sân bóng cho thanh thiếu niên luyện tập thể thao và chơi bóng. Các đội đàn hát dân ca, dưỡng sinh, sênh tiền, múa quạt, múa lân, trống cà rùng… được thành lập và luyện tập thường xuyên với sự hướng dẫn của chuyên gia giỏi, nay đủ khả năng biểu diễn trong các ngày lễ và hội ở địa phương.

Văn hóa mới định hình và phát triển, nhưng người dân Tam Á vẫn luôn chú ý giữ gìn nếp sống văn hóa cổ truyền, đặc biệt là lễ hội đền vào ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm. Phần lễ trọng tâm là đoàn rước đi vòng quanh làng để thánh ban phúc tới mọi nhà, mọi người. Sau đó các cụ hương lão tế thánh theo lệ cổ với trang phục cổ, lời văn cổ.

Phần hội có nhiều môn thể thao văn hóa truyền thống như bóng đá, cầu lông, chọi gà, cờ bỏi, quay sổ xố, đàn hát dân ca. Đặc biệt là tục “Cho chữ” được các thế hệ dự lễ hội nhiệt liệt hưởng ứng. Tục Cho chữ này đã vừa làm nên một nét đẹp, vừa phát hiện ra nét đẹp văn hóa tôn sư trọng đạo của dân ta./.

Minh Thành