WTO: Thương mại có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức 4% ở châu Phi là thấp “nghiêm trọng”, đồng thời cho rằng thương mại có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine.
vaccin-covid19-1632881428.jpg
Thương mại có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine? Ảnh minh họa

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức 4% ở châu Phi là thấp “nghiêm trọng”, đồng thời cho rằng thương mại có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine. Tuyên bố trên được bà Ngozi Okonjo-Iweala đưa ra tại phiên khai mạc của một sự kiện thương mại diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ), với sự góp mặt của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.

Hồi tháng 8/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng hối thúc 20 người có ảnh hưởng lớn trên thế giới đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu trước tháng 10/2021. Phát biểu trên mạng xã hội, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho rằng thế giới cần tỏ thái độ phản đối tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, đồng thời khẳng định nếu người nghèo trên thế giới không được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tình hình có thể trở nên xấu đi.

Theo ông Bruce Aylward, hiện có 20 nhân vật trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán “cân bằng” vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu. Đây là những người đứng đầu các công ty lớn liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, đứng đầu các nước ký hợp đồng mua hầu hết vaccine trên thế giới và đứng đầu các nước sản xuất vaccine. Ông Aylward khẳng định thế giới cần 20 nhân vật này lên tiếng cam kết sẽ giải quyết tình trạng này trước cuối tháng 9/2021, và đảm bảo 10% dân số ở mỗi nước được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cho đến nay, gần 4,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiêm vaccine là 104 liều/100 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất là 2 liều/100 người./.

Minh Hằng (Theo AP)