Vĩnh Phúc: Lan tỏa việc tử tế trong cộng đồng

Việc tử tế là những việc làm xuất phát từ sự lương thiện, tình yêu thương, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Làm việc tử tế đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và khi việc tử tế được lan tỏa, xã hội sẽ trở nên văn minh, tốt đẹp hơn. Với tinh thần tương thân tương ái, người dân Vĩnh Phúc luôn tích cực lan tỏa lối sống tử tế với những hành động đẹp, những tấm gương đẹp.
v-1676424604.jpg

Tại phiên Chợ Tết 0 đồng do UBND tỉnh tổ chức đầu tháng 1/2023, 500 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh chỉ cầm tấm tem phiếu được Ban tổ chức phát là có thể tự chọn cho mình những món hàng tết thiết yếu tại 15 gian hàng. Bên cạnh đó, họ còn được cắt tóc, khám bệnh miễn phí… Nhờ phiên chợ đặc biệt này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được đón Tết nguyên đán Quý Mão 2023 đầm ấm và đong đầy yêu thương. Chợ Tết 0 đồng nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tỉnh tổ chức với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị để không ai bị bỏ lại phía sau.

Không chỉ dịp tết, hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống là hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cũng như người dân Vĩnh Phúc. Từ năm 2016 đến năm 2021, người dân trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ hơn 400 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo”, từ nguồn quỹ này, 7.900 nhà Đại đoàn kết đã xây dựng, sửa chữa; hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế. Người dân cũng tích cực xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Cứu trợ thiên tai, góp phần chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Trong hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, nhân dân Vĩnh Phúc đoàn kết, kiên định thực hiện chiến lược phòng, chống dịch bệnh của tỉnh; ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hình ảnh những đoàn cán bộ y tế của tỉnh bất chấp hiểm nguy, vất vả, tình nguyện lên đường tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho một số tỉnh, thành phố càng tô đậm tinh thần nhân ái, tương trợ của người dân Vĩnh Phúc...

Các hoạt động nhân đạo khác trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Nổi bật là trong năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 20.000 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện và hiến được hơn 17.700 đơn vị máu, giúp hàng trăm bệnh nhân được điều trị, cấp cứu kịp thời. Tỉnh đã tổ chức hội nghị tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho công tác hiến máu nhân đạo nhằm lan tỏa phong trào sâu rộng.

Tại một số trường học, phong trào nuôi lợn đất tiết kiệm, thu gom phế liệu xây dựng quỹ giúp đỡ học sinh nghèo được nhiều học sinh tích cực hưởng ứng. Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh và Nguyễn Thị Trúc Diễm, Trường Tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên đã kỳ công nuôi dưỡng mái tóc của mình để tặng bệnh nhân ung thư. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tuyết Nhung, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường bị khuyết tật vận động nhưng nỗ lực học tập và dạy trẻ chậm phát triển ở tỉnh Bình Dương khiến nhiều người cảm phục. Tuyết Nhung cho biết: “Em nghĩ cho đi - nhận lại yêu thương là điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất nên em luôn muốn chia sẻ và lan tỏa yêu thương, muốn sống một cuộc đời ý nghĩa”.

Trong cuộc sống hằng ngày, những việc làm giản dị nhưng rất đỗi tử tế như trường hợp anh V.V.M, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc nhặt được 100 triệu đồng đã trình báo công an để trả người đánh mất; một anh sửa xe lưu động sẵn sàng đi hàng chục km để vá xe và giúp đỡ phụ nữ trong đêm; một người phụ nữ soi đèn xe máy giúp em học sinh an toàn trên đường về nhà...là những việc tử tế rất cần được lan tỏa.

Xã hội ngày càng phát triển, con người chạy đua với thời gian và công nghệ thì “sống chậm” và lan tỏa những việc tử tế càng trở nên quan trọng. Lối sống tử tế, việc tử tế giúp người trao - người nhận đều ấm lòng, hạnh phúc và giúp xã hội phát triển theo hướng văn minh, nhân ái./.

Minh Hường