Quảng cáo #128

Việt Nam và Hà Lan mong muốn đẩy mạnh hợp tác về quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Hà Lan chung tay thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững khu vực ĐBSCL; Phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để chuẩn bị và sớm triển khai dự án “Phục hồi rừng ngập mặn và chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”; Xem xét tài trợ dự án “Nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực bán đảo Cà Mau- ĐBSCL”.

Nội dung trên được thảo luận tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đặc phái viên về Nước của Hà Lan Bà Meike van Ginneken, vào ngày 04/11 vừa qua.

ho-tro-bien-doi-khi-hau-1-1730949530.jpg
Quang cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đặc phái viên về Nước của Hà Lan Bà Meike van Ginneken. (Ảnh: mard.gov.vn)

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Hợp tác giữa hai nước thời gian qua rất tích cực ở nhiều cấp độ, từ quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp và các tổ chức phi chinh phủ. Chính phủ hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.

Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL. Trên cơ sở Bản Ghi nhớ và nội dung Nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với đối tác Hà Lan để triển khai Bản ghi nhớ này và phối hợp/lồng ghép với các dự án tương tự tại khu vực ĐBSCL.

ho-tro-bien-doi-khi-hau-2-1730949620.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp.(Ảnh: mard.gov.vn)

Bà Meike van Ginneken cho biết: Năm 2025 kỷ niệm 15 năm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hà Lan trong quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc hợp tác tốt đẹp giữa hai nước cũng được thể hiện qua sự hợp tác giữa các viện, trường, các doanh nghiệp với nhau. Trên tất cả, người dân cả hai nước đều được hưởng lợi từ sự hợp tác này. 

Bà Meike van Ginneken bày tỏ hy vọng mối quan hệ hợp tác này sẽ mang tính bền vững và lâu dài, trong đó ngành nước là “xương sống” của sự hợp tác. Ngành nước là sự tự hào của Hà Lan, việc chia sẻ kiến thức về ngành nước giữa hai bên hy vọng sẽ đem lại những kết quả cụ thể.

ho-tro-bien-doi-khi-hau-3-1730949646.jpg
Đặc phái viên về Nước của Hà Lan Bà Meike van Ginneken. (Ảnh: mard.gov.vn)

Trao đổi về Quy hoạch tổng thể vùng ĐBCSL, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Quy hoạch này lấy nguồn nước làm trung tâm quy hoạch các ngành khác. Nguồn nước không chỉ là nước ngọt mà còn bao gồm nước lợ, nước mặn, đều được coi là tài nguyên. Chúng tôi chia ĐBSCL thành ba vùng ngọt, lợ, mặn tương ứng với vùng thượng, vùng giữa và vùng giáp biển. Sản xuất nông nghiệp cũng thực hiện theo cách chia này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, để thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng ĐBCSL cần có những kế hoạch rất cụ thể. Ví dụ, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 hoặc có những chương trình di dân, tái định cư ở những vùng có khả năng xảy ra sạt lở, sụt lún trong tương lai hoặc chương trình tổng thể về trồng rừng ngập mặn vùng ĐBSCL.

ho-tro-bien-doi-khi-hau-4-1730949516.jpg
Dự án Mekong Salt Lab được Chính phủ Hà Lan và Tổ chức Doanh nghiệp Hà Lan tài trợ nhằm hỗ trợ nông dân ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. (Ảnh: T.T.N.B)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư/tài trợ/đối tác phát triển tới khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm chung tay thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững khu vực ĐBSCL; Phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để chuẩn bị và sớm triển khai dự án “Phục hồi rừng ngập mặn và chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”; Xem xét tài trợ dự án “Nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực bán đảo Cà Mau- ĐBSCL”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các trường/viện của Bộ trong lĩnh vực quản lý nước và các giải pháp chống sạt lở,nước biển dâng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hai bên bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ chuẩn bị nội dung cho phiên họp chính phủ sắp tới về quản lý nước và thích ứng biến đổi khí hậu./.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan, ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã làm việc với Hoàng thân Jaime de Bourbon de Parme, Đại sứ Hà Lan về biến đổi khí hậu, ông Steven Collet, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs (Diễn đàn P4G), bà Meike van Ginneken, Đại sứ Hà Lan về vấn đề nguồn nước.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, điển hình như cơn bão Yagi kéo theo lũ lụt, sạt lở đã gây mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản tại nhiều địa phương của Việt Nam.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, dự báo, ngăn chặn lũ quét, sạt lở, quản lý bền vững nguồn nước, phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng cảm ơn Hà Lan với vai trò 1 trong 3 đối tác chủ chốt của Diễn đàn P4G đã tích cực ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm 2025, đồng thời đề nghị Hà Lan tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị quan trọng này.

Các đối tác Hà Lan nhất trí đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, triển khai hiệu quả kết quả kỳ họp thứ 8 Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu và quản lý nước vừa diễn ra tại Hà Lan tháng 6/2024.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Steven Collet cho biết, các doanh nghiệp Hà Lan hiện rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ông đề nghị 2 bên tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mới như công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, tạo thuận lợi cho việc trao đổi đoàn doanh nghiệp 2 nước.

Bình Châu