Theo thống kê, đến nay, đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động theo điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, đối tượng vay chủ yếu là người lao động, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính mới đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính tiêu dùng còn có sự góp mặt của nhiều loại hình cho vay tiêu dùng khác như các chuỗi dịch vụ cho vay cầm đồ và tiệm cầm đồ nhỏ lẻ; các công ty fintech; công ty tài chính...hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư 2020.
Dù thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng rất lớn nhưng trên thực tế đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ. Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp thành viên thị trường phản ánh hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, do quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này tại Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", doanh nhân Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho biết, với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng cũng như nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân ngày càng tăng. Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Lê Quốc Ninh cho rằng, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, ông Lê Quốc Ninh đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất để gỡ khó cho thị trường này.
Cụ thể, đối với Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp; tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Đối với Bộ Công an: Điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”; phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia.
Còn về phía các công ty tài chính tiêu dùng: Nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ, đảm bảo nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ, tránh để xảy ra những hiểu lầm, đánh đồng về hoạt động của CTTC với các tổ chức cho vay phi pháp, từ đó xây dựng lòng tin và ý thức trách nhiệm từ phía khách hàng.
Đặc biệt, cần tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Các nhân viên tín dụng cần thông tin đầy đủ, chính xác về hợp đồng tín dụng, tuân thủ quy định nhắc nợ, thu hồi nợ - ông Lê Quốc Ninh nhấn mạnh,
Đồng quan điểm, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam rất tiềm năng, và đây là điều tất yếu. Với 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng cho thấy NHNN đã quan tâm hỗ trợ hoạt động cho các công ty này. Nhưng mới chỉ chiếm tỷ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Điều này cho thấy hoạt động của các công ty này còn khiêm tốn, và toàn bộ phần còn lại đã được tổ chức không được cấp phép đáp ứng.
PGS.TS. Hoàng Xuân Quế cho rằng, nguyên nhân không phải là vấn đề lãi suất mà ở điều kiện vay vốn, tiếp cận vốn. Những tổ chức không được cấp phép thỏa mãn nhu cầu của người yếu thế khi họ không tiếp cận được nguồn vốn đó tại công ty tài chính được cấp phép. Do vậy, cơ quan quản lý cần xem xét về hình thức tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người dân khi họ cần tiền để xử lý vấn đề cấp thiết.
Về hoạt động đòi nợ hợp pháp trong bối cảnh khi đến hạn, người đi vay lại không muốn trả nợ. Về vấn đề này, theo PGS.TS. Hoàng Xuân Quế, cần nhấn mạnh pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Do vậy, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp bùng nợ./.