Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau Ma-lai-xi-a.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2022 đạt 6.309,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức tăng 30% so với cả năm 2021 và thấp hơn mức tăng 5,9% so với 11 tháng đầu năm); trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.593,6 tỷ USD, tăng 7% và kim ngạch nhập khẩu đạt 2.715,9 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của cả năm 2021 với xấp xỉ 30%).

Các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc bao gồm: Mỹ (759,4 tỷ USD), Hàn Quốc (362,3 tỷ USD), Nhật Bản (357,4 tỷ USD), Đài Loan (319,6 tỷ USD) và Hồng Kông (305,4 tỷ USD). Trong các đối tác này chỉ có Mỹ và Hàn Quốc duy trì tăng trưởng dương trong quan hệ thương mại với Trung Quốc tuy nhiên không đáng kể (lần lượt đạt mức tăng 0,6% và 0,1%), trong khi đó các đối tác khác ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí giảm tới 02 con số như với Hồng Kông (-15,1%).

sau-rieng-1-1675137221.jpg
Sầu riêng Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh minh họa

Còn kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% trong cả năm 2021); trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%, nhập siêu từ Trung Quốc đến thời điểm này có giá trị 59 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục vượt mức 230 tỷ USD.

Tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau Malaysia (theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ). Nếu xét trên quy mô toàn thế giới, Việt Nam hiện đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông) của Trung Quốc trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc.    

Kể từ ngày 08/1/2023 vừa qua, Trung Quốc đã mở cửa trở lại với nhiều chính sách nới lỏng về xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hàng hóa sẽ không phải chịu kiểm tra vi-rút Sars-CoV-2 trên bao bì và trên mẫu sản phẩm. Các đối tượng được nhập cảnh sẽ không phải cách ly tập trung và chỉ phải test Covid-19 tại các bệnh viện chỉ định trong vòng 48 tiếng trước khi xuất cảnh. Do đó, hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng cơ bản sẽ được nối lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc khuyến nghị các doanh nghiệp của ta trong thời gian tới có thể nghiên cứu các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, chủ động có kế hoạch cụ thể để các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2023 diễn ra đạt được hiệu quả cao.

Đông Nghi