Vì sao “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thày”

Người xưa chỉ có câu "mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy" nhưng vì sao ngày nay lại thành "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy", cùng theo dõi giải thích từ các chuyên gia dưới đây.
mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-co-nghia-la-gi-6-1643852157.jpg
ảnh minh họa

"Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" được xem như là câu cửa miệng của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Nó hàm chứa ý nghĩa phân chia ngày thăm Tết của các gia đình, mùng 1 Tết, mùng 2 Tết và mùng 3 Tết, nhằm mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn.

Thực tế thì đây là câu nói xuất hiện vào những năm gần đây, câu nói chính xác mà ông cha ta thường dùng được ghi trong các sách xưa là "mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy". Vì sao lại có sự thay đổi như vậy và nó có làm mất ý nghĩa truyền thống của dân tộc không?

Tại sao lại nói "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy"?

Theo các chuyên gia văn hóa, trong các sách xưa, đặc biệt là sách "Câu cửa miệng" của Trần Duy Vôn chỉ nói là "Mùng một Tết cha, mùng ba tết thầy" với hàm ý là mùng một, mùng hai là ngày báo hiếu cha mẹ, mùng ba là ngày đền đáp công ơn dưỡng dục của thầy, chứ không có đoạn mùng hai Tết mẹ.

Có giả thuyết cho rằng mùng một là Tết của cha, mùng hai là Tết của mẹ nhưng đây là cách giải thích gần như không được chấp nhận. Bởi cha và mẹ là hai đấng sinh thành ra ta có tầm quan trọng như nhau, cớ sao lại ăn Tết cha mà lại không ăn Tết mẹ.

Một giả thuyết khác mà các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" là một câu nói dân gian mới được nảy sinh do cách cấu tạo tục ngữ theo kiểu nói kéo theo cho có vần.

Từ khi nói kéo theo mùng hai Tết mẹ thì người ta lại tìm cách giải thích: cha là bên nội, mẹ là bên ngoại cho hợp lý. Tức là mùng một thì chúc Tết bên nội, mùng hai thì về nhà ngoại thăm hỏi, chúc tụng.

Và từ cách nói đó, sau này người ta thấy hợp lý và hành động theo, thành ra tập quán mới. Tục ngữ là phương châm ứng xử và ứng xử trong câu tục ngữ Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy rất nên trong xã hội ngày nay.

Còn về mùng ba Tết thầy, các cụ xưa giải thích đây là truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt. Người xưa rất trọng người thầy, xem người như là người cha thứ hai của mình. Thế nên vào những ngày đầu năm, sau khi cúng gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ, vào mồng 3 người Việt thường đến thăm hỏi thầy xưa, dành tặng những món quà mong muốn thầy có nhiều sức khỏe trong năm mới.

Dù câu nói "mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" là một câu nói mới dựa vào câu nói "mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy" của cha ông ngày xưa, nhưng vì có ý nghĩa nhân văn, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo nên ngày nay câu nói này vẫn được lưu truyền và thể hiện một cách tích cực./.