Giá xuất khẩu bình quân hạt điều giảm do liên quan đến vấn đề chất lượng
Trong buổi gặp mặt báo chí vừa qua, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, trước những phản ảnh về chất lượng nhân điều giảm sút của nhà nhập khẩu, hiệp hội đã đề nghị lãnh đạo địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhà máy chế biến hạt điều, đặc biệt là tỉnh Bình Phước, vì Hiệp hội Điều Bình Phước không trực thuộc Vinacas mà trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước.
Để giữ vững thương hiệu điều Việt Nam, sắp tới, Vinacas có kế hoạch đến làm việc với UBND tỉnh Bình Phước, nhờ tỉnh góp sức cùng với hiệp hội chấn chỉnh các doanh nghiệp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hiện giá xuất khẩu điều của Việt Nam giảm đi rất nhiều do có liên quan đến vấn đề này.
“ATVSTP của ngành điều đang xuống cấp, chính vì thế giá nhân điều xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn giá của Ấn Độ. Vấn đề này rất cần chính quyền địa phương vào cuộc điều tra, chấn chỉnh lại hoạt động của doanh nghiệp trên địa phương mình, nếu được làm tốt đến năm 2024, ngành điều sẽ lấy lại được thương hiệu của mình”, ông Công nói.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vinacas, trong hoạt động thương mại việc các khách hàng phàn nàn khiếu nại về chất lượng sản phẩm thường xuyên xảy ra, cũng như các mặt hàng khác, ngành điều cũng gặp tình trạng này. Thời gian cuối năm, ngành điều nhận được nhiều hơn các phản ảnh của khách hàng nước ngoài về vấn đề chất lượng nhân điều xuất khẩu.
Vào thời điểm cuối năm ở Việt Nam thường xuyên diễn ra mưa bão nên vấn đề sâu, mọt và côn trùng sống phát sinh nhiều hơn so với các tháng trong năm. Mặt khác, về cuối năm nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng nên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng cao so với mức bình thường, cùng với đó các công ty phải chạy đua hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nên sản lượng sẽ đẩy lên. Đơn hàng tăng cao nhưng thời gian sản xuất lại gấp rút dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không được đảm bảo, dễ phát sinh thêm nhiều vấn đề về chất lượng khiến khách hàng phàn nàn.
“Hiệp hội thường xuyên gửi cảnh báo đến doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, bởi đây là vấn đề bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, của tỉnh trong mắt của nhà nhập khẩu và góp phần xây dựng, bảo vệ uy tín ngành điều Việt Nam, nếu mất kiểm soát ATVSTP sẽ khiến nhà nhập khẩu đánh giá không tốt ngành điều Việt Nam.
Song, những cảnh báo của Vinacas vẫn chưa đi sâu vào ý thức từng doanh nghiệp, vì vậy, chúng tôi mong các đơn vị hành chính nhất là UBND cấp tỉnh đồng hành với hiệp hội, quan tâm hơn đến kiểm tra chất lượng ATVSTP các doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý”, ông Khánh Nhựt nói.
Ông Khánh Nhựt cho biết thêm, khi nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng sâu, mọt côn trùng sống trong sản phẩm, hiệp hội đã chia sẻ cách xử lý và khuyến cáo đến doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm đúng theo các khuyến cáo của hiệp hội sẽ không bao giờ xảy ra các tình trạng trên. Bên cạnh đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm là vấn đề khách hàng nước ngoài phàn nàn nhiều nhất.
Do áp lực giao hàng, do kho bãi không đủ chỗ buộc doanh nghiệp đóng gói trước thời gian quy định khiến dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm tăng vượt ngưỡng cho phép. Để đảm bảo ATVSTP rất cần đến sự quản chế và kiểm soát của chính quyền địa phương để hạn chế cũng như ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.
Trước tết là thời điểm vàng của xuất khẩu nhân điều nhưng giá chưa chắc tăng
Phó chủ tịch Thường trực Vinacas cũng cho biết, từ đầu năm đến nay hiệp hội đã nhận được 2 văn bản chính thức phản ảnh chất lượng nhân điều xuất khẩu không bảo đảm từ Hiệp hội Hạt của Châu Âu và Hiệp hội Các ngành công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), và một số khách hàng lớn cũng đã gửi cảnh báo với hiệp hội về tình trạng trên.
“Từ đầu năm đến giờ Vinacas đã nhận được 3 phản ảnh chính thức từ các nhà nhập khẩu, phản ảnh sâu sắc nhất là tình trạng sâu, mọt và côn trùng sống. Mặt khác, dư lượng thuốc BVTV và những tạp chất lạ cũng được phản ánh thường xuyên. Nếu các vấn đề khách hàng phản ảnh không giải quyết được sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành điều Việt Nam”, ông Khánh Nhựt nói.
Nhận định về giá xuất khẩu điều có tăng trong các tháng cuối năm, theo ông Khánh Nhựt, chắc chắn nhu cầu nhập khẩu điều trong các tháng cuối năm sẽ tăng cao, song, giá xuất khẩu chưa chắc tăng theo nhu cầu thị trường.
Chất lượng giảm không phải là mối lo duy nhất gây tác động giảm giá, vì theo phân tích, giá bình quân xuất khẩu nhân điều giảm do giá các loại hạt ăn được trên thế giới giảm và hạt điều cũng nằm trong xu hướng giảm giá. Nếu doanh nghiệp nước ngoài dựa vào yếu tố này để giảm giá nhân điều Việt Nam thì ngành điều sẽ mất nhiều năm để lấy lại vị thế hiện nay, tuy nhiên, vấn đề này chỉ mới chớm xảy ra.
“Giá điều xuất khẩu tăng chưa chắc nước ngoài mua nhiều, mức giá hiện nay được các nhà nhập khẩu cho là phù hợp nên họ đẩy mạnh mua vào, nên đơn hàng xuất khẩu được doanh nghiệp ký liên tục”, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas nói.