Vì sao giá thép lại tăng

Giá mỗi tấn thép xây dựng tăng 250.000-300.000 đồng so với trước Tết, vượt 17 triệu đồng.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên vừa thông báo tăng giá thép xây dựng. Theo đó, giá mỗi tấn thép cuộn CB240 áp dụng từ 12/2 là 17,3 triệu đồng nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh.

Giá thép chưa gồm VAT các loại cũng tăng lên 17,3-17,6 triệu đồng một tấn, tùy loại và tuỳ thuộc thanh toán nhanh hay chậm. Nhìn chung, giá mới tăng 250.000-350.000 đồng một tấn so với cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2.

Tương tự, Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức hay Thép Vinausteel... cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2.

Báo giá ngày 17/2 của một số đại lý cho thấy, giá thép Hoà Phát loại D10 phổ biến ở mức 17,15 triệu đồng một tấn; loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng. Mức giá mới tăng 600.000-800.000 đồng mỗi tấn so với cách đây hai tuần.

z3196366357603-2d8fe2126ad4ae0d7b8e277e7d76bf29-1645327571.jpg
 

                                 Thép thanh vằn của của Công ty gang thép Thái Nguyên tháng 2/2022

Giá hiện tại cách mức đỉnh 18,3 triệu đồng một tấn hồi tháng 5 năm ngoái khoảng 700.000-800.000 đồng một tấn. Nhưng theo các đại lý kinh doanh, giá thép khả năng còn tăng nữa. "Chúng tôi dự báo tới đây có ít nhất 2-3 đợt tăng giá nữa, với tổng mức tăng khoảng 1 triệu đồng một tấn", anh Ngọc, chủ một đại lý thép tại Cự Khê (Hà Đông) cho hay.

Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) trong báo cáo mới đây đánh giá, tăng trưởng ngành thép trong nước có thể ở 15-20% năm nay. Triển vọng này đến từ các "trụ đỡ" ở gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỷ đồng, cộng với mức 530.000 tỷ đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38%. Ngoài ra, những điều chỉnh trong luật xây dựng, đầu tư và nhà ở... sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển của ngành bất động sản, nhà ở.

Còn về giá, MBKE cho rằng, giá thép sẽ giằng co giữa cung - cầu và giá nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường thế giới.

Giá thép bán ra trong nước tăng ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhất là Trung Quốc. Cách đây 2 ngày, giá thép tại quốc gia xuất, nhập khẩu lớn nhất này tăng gần 6%, lên sát 756 USD mỗi tấn, cao nhất 5 tháng qua.

Thực tế, giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi thép, than cốc...) trên thị trường thế giới tăng. Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70-80% giá thành thép sản xuất trong nước. Cùng đó, loạt công trình dân dụng khởi động lại sau thời gian tạm hoãn vì dịch, nhất là ở khu vực phía Nam... khiến nhu cầu mặt hàng này tăng vọt.

Hiện giá phôi thép giao ngay tại thị trường Đông Nam Á tăng 5-7 USD một tấn so với cuối tháng 1, ở mức 662-671 USD một tấn. Còn thép cuộn cán nóng HRC cũng tăng mạnh tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (Trung Quốc), đắt thêm khoảng 2% so với cuối tháng 1, khoảng 505-507 USD một tấn.

Giá than cốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng cao kỷ lục do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu dự trữ tăng mạnh của các quốc gia trong bối cảnh mở cửa, phục hồi kinh tế. Giá than cốc đã tăng lên gần 410 USD một tấn, giá FOB tại Australia, đắt thêm gần 40 USD, còn tại Trung Quốc, giá nguyên liệu này cũng tăng khoảng 27 USD, lên 403 USD một tấn.

Sau đợt tăng mạnh, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 10% về xấp xỉ 135 USD một tấn trong ngày 15/2 sau những tuyên bố bình ổn giá của Chính phủ nước này. Tuy vậy, giá quặng sắt đã tăng 60% từ tháng 11 năm ngoái bất chấp những nỗ lực bình ổn thị trường. Vì thế, các chiến lược gia hàng hoá cho rằng, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tiếp tục chịu áp lực.

Lê Thìn