Về nơi thờ Thánh Gióng liên tưởng đến nhân vật Bùi Duy Trí

Hẹn mãi, hôm nay ngày 23/3/2022, tôi mới cùng với những người anh em thân thiết ở Tổ dân phố, khu dân cư thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội mới có dịp đến dâng hương đền Gióng Sóc Sơn, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, tp Hà Nội.
450px-phu-dong-thien-vuong-01-1648178121.jpg
Tượng Thánh Gióng trên núi Sóc

Chúng tôi leo lên trên 3 km tới Tượng đài Thánh Gióng trên ngọn núi cao nhất của dãy núi hùng vĩ Sóc Sơn - Nơi đây, sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, đem lại bình yên cho nhân dân và bay về trời. Thánh Gióng là một huyền thoại anh hùng của dân tộc Việt Nam đã trở thành truyền thuyết thiên anh hùng ca và là niềm tự hào của dân tộc.

Để chứng minh rằng: Mỗi khi biên cương của Tổ quốc rầm rập vó ngựa xâm lăng, thì dòng máu quật cường của cha ông lại bùng lên và thời nào cũng xuất hiện những thiên tài hào kiệt đứng lên chống giặc, cứu nước, cứu dân. Thánh Gióng là như vậy, đó là niềm khát khao ước vọng của toàn dân tộc. Phải chăng Thánh Gióng là một huyền thoại? Nhưng trong cái ước vọng ấy, có nhân vật có thật.

Đó là trong tư liệu lịch sử của dân tộc Việt Nam có ghi: Thời Hùng Vương thứ 6 được ghi nhận có niên đại từ 1401 đến 1121 trước công nguyên, (cách đây khoảng 3760 năm) khi có giặc Ân xâm lược Nhà nước Văn Lang, Vua Hùng tức tốc phong Bùi Tướng công, huý là Bùi Duy Trí chức Đô Thống, toàn quyền thống lĩnh đại quân đánh giặc Ân. Bùi Tướng công có công phù Gióng đại phá giặc Ân.

Ông là người làng Phù Ninh (nay là Phù Dực, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng bay về trời, còn Đô Thống thu quân hạ trại tại làng Lệ Chi Nam hay còn gọi là làng Chi Nam để tiêu diệt nốt bọn tàn quân còn quấy phá dân cư quanh vùng. Nhưng mới được vài ngày, Đô Thống bị bệnh rồi mất đột ngột. Nhân dân thương tiếc, biết ơn ông, suy tôn ông là Thành Hoàng, lập đền ở dọc ven sông Thiên Đức (nay là sông Đuống), để hàng năm hương khói và tổ chức Lễ hội tri ân.

Vậy Bùi Duy Trí và Thánh Gióng có gì liên quan với nhau không? Trong tư liệu về Trang Khê Đầu có ghi: cụ ông Bùi Cẩn và cụ bà Phạm Thị Hòa sinh ra bà Bùi Thị Dung là mẹ Thánh Gióng. Đây có thể coi là tư liệu lịch sử chứ không phải là truyền thuyết. Vì tư liệu đó là của Bộ Lễ, triều đại Lê Anh Tông, do Đại thần Hàn lâm lễ Viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn có đầu đề: "Ngọc phả cổ lục Đổng Sóc xung thiên Đại thánh Thần Vương triều nhà Hùng, họ Việt Thường, Phiên thần Thượng đẳng, bộ chi cẩn". Bản gốc còn lưu lại Viện Hán - Nôm, ngoài bì có đóng dấu bầu dục của Viện Đông Bác Cổ thời Pháp thuộc. Vậy Bùi Duy Trí và Thánh Gióng là 2 nhân vật, nhưng cũng có thể là một nhân vật và được huyền thoại lên?

Ngày nay Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, tp Hà Nội; cổ truyền được nhân dân tổ chức từ ngày 7 đến 8 tháng giêng (âm lịch), hằng năm - Nơi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay lẻn trời. Còn Lễ hội đền Phù Đổng thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tp Hà Nội là nơi sinh ra Thánh Gióng, cổ truyền tổ chức từ ngày 7 đến 9 /4 âm lịch hàng năm. Và Lễ hội Phù Gióng Chi Nam (tri ân Tướng quân Bùi Duy Trí) thuộc thôn Phù dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tp Hà Nội, từ 7 đến 9/4 âm lịch hằng năm, Lễ hội Phù Gióng tham gia cùng Lễ hội Phù Đổng cùng xã, chỉ khác thôn.

Vậy là Đô Thống Tướng công Bùi Duy Trí và Thánh Gióng là người cùng xã Phù Đổng, cùng họ Bùi, một nhân vật có thật và một nhân vật huyền thoại. Liệu có phải 2 con người này là một? Các nhà nghiên cứu lịch sử cần tìm tòi các tư liệu lịch sử để làm sáng tỏ sự vĩ đại anh hùng của dân tộc...

Ngày về dâng hương ở đền Gióng Sóc Sơn, hôm nay anh em chúng tôi, rất thành kính và biết ơn người anh hùng có sức khỏe vạn người và tài trí của dân tộc. Dọc đường lên Tượng đài Thánh Gióng trên 3 km, những dãy tre ngà vàng óng, phải chăng Thánh Gióng đánh giặc hết hung khí, đã nhổ tre làng đánh giặc. Và ngày nay tre mọc khắp vùng đất linh thiêng này./.

Bùi Anh Túy