Văn Phú - Invest liệu có trở thành một FLC thứ hai?

Văn Phú - Invest của đại gia Tô Như Toàn không những nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý các sai phạm về thuế mà còn bị khách hàng nghi vấn mua bán chui hàng triệu cổ phiếu.

Thời gian gần đây, toà soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan tới một số nội dung về hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (địa chỉ: Số 104 Thái thịnh, Đống Đa, Hà Nội).

Theo phản ánh, ngày 25/6/2021, Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội (HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai.

Trong thương vụ này, Văn Phú - Invest chỉ nắm cổ phiếu HAF trong một thời gian rất ngắn sau khi mua xong, rồi nhanh chóng thông báo thoái toàn bộ phần sở hữu tại HNF. Cụ thể, ngày 25/6/2021, doanh nghiệp này công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội.

vp-1665292742.jpg
Trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest 104 P. Thái Thịnh, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội/ (Nguồn ảnh: odinland.com)

Nhưng chỉ sau 1 tuần, ngày 01/7/2021, Văn Phú - Invest lại tiếp tục thông qua nghị quyết của HĐQT về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của doanh nghiệp này tại HAF theo phương thức thỏa thuận, với quy mô giao dịch hơn 94 tỷ đồng.

Theo thông tin Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 30/6/2021, Văn Phú - Invest là cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi sở hữu 3,5 triệu cổ phần (tương đương 24,14% vốn). Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, tức ngày 01/7/2021, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội lại công bố Văn Phú - Invest không còn là cổ đông lớn. Như vậy có thể thấy, đây là điều bất thường.

Văn Phú - Invest tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, được hình thành và phát triển từ năm 2003. Năm 2017, Văn Phú Invest chính thức đưa cổ phiếu VPI niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Năm 2018, chính thức niêm yết sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị của Văn Phú - Invest là ông Tô Như Toàn, trong khi đó, Tổng Giám đốc là ông Triệu Hữu Đại. Ở thời điểm hiện tại, Văn Phú - Invest được biết đến là một nhà phát triển bất động sản tầm cỡ tại Việt Nam, tuy nhiên, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là nợ vay, dòng tiền kinh doanh âm cả nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận bọt bèo không tương xứng với danh "ông lớn" bất động sản.

Văn Phú - Invest là một trong những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, công ty này cũng không ít tai tiếng. Theo Kết luận Thanh tra số 30/KL-TTr về Văn Phú - Invest Bộ Xây dựng đã nêu rõ nhiều vi phạm của doanh nghiệp này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2022 đã được kiểm toán, nửa đầu năm nay, Văn Phú - Invest ghi nhận doanh thu thuần 1.082 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, các chi phí của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, trong đó chi phí lãi vay là 65,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 54,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 74,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, Văn Phú - Invest ghi nhận khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đột biến từ 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên mức 324,5 tỷ đồng 6 tháng năm 2022. Kết quả, công ty đạt 276 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận tăng vọt song dòng tiền của Văn Phú - Invest lại âm cả nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh của công ty âm 1.007 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 215 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư của Văn Phú - Invest cũng âm 1.307 tỷ đồng.

Văn Minh