Vải thiều cuối vụ đắt hơn sầu riêng, thương lái Trung Quốc vào tận vườn tìm mua

Càng về cuối vụ, giá vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang) càng tăng cao, lên mức 90 nghìn đồng/kg. Do vải mất mùa, sản lượng thấp nên thương lái Trung Quốc mạnh tay gom mua đẩy giá vải cao kỷ lục.
gia-vai-thieu-2-1718548953.jpg
Vải thiều cuối vụ giá tăng kỷ lục, có nhiều điểm cân mua vải thiều với giá lên tới 90.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa)

Vải thiều vào cuối vụ giá càng tăng cao

Theo UBND huyện Lục Ngạn, địa phương này có 126 điểm thu mua vải, hơn 1.000 lò sấy và chế biến vải khô. Tuy nhiên, một số điểm cân có những ngày phải tạm ngừng hoạt động vì không có hàng.

Trong khi đó, giá tăng cao theo từng ngày. Các thương lái đi khắp nơi để đặt cọc và gom hàng. Thế nên, những ngày gần đây có nhiều nông dân không cần chở vải thiều ra chợ bán nữa, bởi thương lái đã vào tận vườn cân mua.

Anh Nguyễn Văn Hiền một nhà vườn trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hay: “Vải thiều năm nay càng vào cuối vụ giá càng tăng cao”. Mất mùa, hàng khan hiếm, trong khi các điểm cân vẫn có nhu cầu mua lượng lớn để đưa sang Trung Quốc đã đẩy giá vải thiều lên mức cao kỷ lục. Thời điểm này, anh Hiền bán vải với giá 80.000 đồng/kg.

gia-vai-thieu-3-1718548933.jpg
Nếu tính bình quân thì giá vải thiều năm nay cao nhất lịch sử kể từ khi vải thành cây trồng hàng hoá quy mô lớn tại địa phương.(Ảnh minh họa)

“Tôi vừa bán 3 tạ vải thiều, thu về 24 triệu đồng. Năm nào vào mùa thu hoạch tôi cũng chở vải thiều của nhà đi bán. Song đây là năm đầu tiên mỗi chuyến xe vải thiều lại thu được nhiều tiền đến vậy”, anh Hiền vui vẻ tiết lộ. Thế nhưng, vườn vải 1ha của gia đình anh năm nay mất mùa, chỉ thu được khoảng 5 tấn, sản lượng giảm mạnh so với vụ trước đó.

Cũng may, giá vải thiều năm nay rất cao. Đầu vụ, anh bán được với giá 45.000 đồng, sau đó tăng lên 60.000 đồng/kg và giờ trên dưới 80.000 đồng/kg. Nhưng, anh Hiền nói rằng vải cũng sắp hết mùa, chỉ hái vài ngày nữa là kết thúc vụ thu hoạch này.

Tại một số điểm cân ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), giống vải thiều Thanh Hà và vải chính vụ được thu mua với giá từ 65.000-85.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá vải tăng kỷ lục, thương lái lùng mùa vì cháy hàng

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, thông tin, chưa bao giờ vải thiều lại được giá như vậy. Nếu tính bình quân thì giá vải thiều năm nay cao nhất lịch sử kể từ khi vải thành cây trồng hàng hoá quy mô lớn tại địa phương.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh vụ này ước đạt 100.000 tấn. Đến ngày 14/6, nông dân đã thu hoạch được 67.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt khoảng 45.430 tấn, vải chính vụ đạt gần 21.580 tấn.

“Giá vải thiều được cân mua ở mức 55.000-85.000 đồng/kg. Như hôm nay, có nhiều điểm cân mua vải thiều với giá lên tới 90.000 đồng/kg”, ông Thọ chia sẻ.

Đến nay, có 43.000 tấn vải thiều các loại của Bắc Giang được đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ, còn 24.000 tấn xuất khẩu sang nhiều quốc và vùng lãnh thổ.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của quả vải thiều. Lượng hàng xuất khẩu sang thị trường truyền thống này lên tới 23.800 tấn. Ngoài ra, còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc, Dubai, một số nước ở Đông Nam Á...

gia-vai-thieu-1-1718549031.jpg
Vải thiều Việt Nam được bán tại các siêu thị nước ngoài với giá gần 600.000 đồng/kg. (Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp)

Theo ông Thọ, không chỉ tỉnh Bắc Giang của nước ta mất mùa vải thiều. Vải trồng tại Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do đó, các thương nhân Trung Quốc đều mạnh tay gom mua loại quả này để đưa về tiêu thụ tại thị trường tỷ dân.

Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác cũng duy trì tốt. Do đó, vải thiều năm nay tuy mất mùa nhưng giá bán lại cao kỷ lục. Thực tế, ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh thu mua vải thiều để trả các đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ, thông tin, xuất khẩu vải sang thị trường Úc, Mỹ và Nhật Bản năm nay tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật có thể tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Bình Nguyên