Ngay sau khi tiếp quản, ông Musk, hiện là CEO hãng xe điện Tesla, đã bắt đầu cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo của Twitter. Musk đã sa thải Parag Agrawal (người kế nhiệm Jack Dorsey làm Giám đốc điều hành Twitter) và Giám đốc tài chính Ned Segal.
Theo nguồn tin của trang Reuters, cả hai đều đang ở trong tòa nhà vào thời điểm đó và được bộ phận an ninh hộ tống ra ngoài. Vijaya Gadde, Giám đốc chính sách của công ty mà Musk đã công khai chỉ trích cũng bị lật đổ. Theo tờ New York Times, tổng cố vấn Sean Edgett cũng đã mất chức. Không dừng lại ở đó, Giám đốc khách hàng Sarah Personette cũng bị sa thải (theo Insider).
Tờ Insider đưa tin: Agrawal nhận được 38,7 triệu USD, Segal nhận được 25,4 triệu USD, Gadde nhận được 12,5 triệu USD và ngay cả Personette, người từng tweet vào ngày hôm qua về việc cô ấy vui mừng như thế nào đối với sự tiếp quản của Musk, cũng nhận được khoản tiền 11,2 triệu USD cho sự ra đi.
Kênh CNBC xác nhận những người này đã rời trụ sở Twitter tại thành phố San Francisco, Mỹ và "sẽ không quay lại".
Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX có thể sẽ thay đổi cách thức hoạt động của sự kiểm duyệt của Twitter, nới lỏng các loại chính sách đã khiến cựu Tổng thống Donald Trump bị cấm vĩnh viễn khỏi nền tảng này.
Mặc dù vị doanh nhân giàu nhất thế giới đã nói rằng việc mua lại Twitter “không phải là một cách kiếm tiền”, Elon Musk được cho là đã đưa ra các ý tưởng để cắt giảm chi phí và tăng doanh thu. Chính phủ và các tập đoàn có thể phải trả một "chi phí nhỏ" để sử dụng Twitter và có thể có sự cắt giảm việc làm để cải thiện lợi nhuận của công ty. Một số nhân viên hiện tại của Twitter đã chỉ trích các kế hoạch của Musk cho nền tảng này là "không mạch lạc" và thiếu chi tiết.
Bên cạnh đó, Musk từng chia sẻ về việc sử dụng Twitter để tạo ra “X, ứng dụng mọi thứ”. Phát ngôn này đề cập đến ứng dụng WeChat của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động như một nền tảng nhắn tin, nhưng đã phát triển để bao gồm nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ mua sắm đến thanh toán cho đến chơi game. Elon Musk từng nói với các nhân viên vào hồi tháng 6: “Về cơ bản, ở Trung Quốc, cuộc sống của bạn gắn liền với WeChat. Nếu chúng ta có thể làm điều tương tự với Twitter, chúng ta sẽ thành công rực rỡ”.
Ngay sau khi tiếp quản, ông Musk, hiện là CEO hãng xe điện Tesla, đã bắt đầu cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo của Twitter...
Trước đó, tỷ phú Elon Musk hôm 26/10 đã tới trụ sở của Twitter, đồng thời cập nhật thông tin cá nhân trên mạng xã hội này với chức danh Giám đốc Twitter. Trong thông điệp trên Twitter, ông Musk khẳng định mục tiêu của ông khi mua lại mạng xã hội này là đảm bảo môi trường tranh luận lành mạnh, thay vì là nơi thể hiện những quan điểm tiêu cực để gây thù hằn và chia rẽ trong xã hội.
Hãng tin Reuters ngày 25/10 đưa tin các nhà đầu tư cổ phiếu, bao gồm Sequoia Capital, Binance, Qatar Investment Authority và những người khác đã nhận được giấy tờ cần thiết theo thủ tục về cam kết đóng góp tài chính từ các luật sư của ông Musk.
Việc hoàn tất thỏa thuận sẽ chấm dứt vụ kiện của Twitter đối với ông Musk và các nhà đầu tư hy vọng có thể nhận được 54,2 USD/cổ phiếu như đề nghị ban đầu.
Reuters dẫn thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán New York cho biết cổ phiếu Twitter sẽ bị ngừng giao dịch vào ngày 28/10 - hạn chót để ông Musk hoàn tất thương vụ 44 tỷ USD này. Tháng 4 năm nay, ông chủ của hãng xe điện Tesla đã đề nghị mua Twitter với giá 44 tỷ USD, trong đó mỗi cổ phiếu giá 54,2 USD.
Tuy nhiên, đến ngày 8/7, ông tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này, với cáo buộc Twitter gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này.
Twitter sau đó đã kiện ông Musk với lý do phá vỡ hợp đồng. Đến ngày 4/10, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ đề nghị hoàn tất thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter với mức giá thỏa thuận ban đầu là 44 tỷ USD.