Tương truyền rằng, vật cầu là hình thức rèn luyện quân của của Linh Lang Đại vương, là hiện thân của Thái tử Hoằng Chân, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Từ khi có đình là đã có lễ hội vật cầu, cho đến ngày nay đã trở thành truyền thống.
Lễ hội Vật cầu Thúy Lĩnh được địa phương tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại vương và cũng là để thể hiện truyền thống thượng võ, là cách gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người dân đồng bằng sông Hồng.
Sân thi đấu hình vuông có một hố ở chính giữa sân để đặt quả cầu và 4 hố ở bốn góc sân, tương ứng với "khung thành" của 4 đội. Mỗi đội có 2 cầu thủ, mặc quần trắng, mình trần thắt đai theo 4 màu là đỏ, xanh, vàng, tím.
Theo truyền thống xa xưa, những quả cầu sẽ được làm bằng gỗ mít, rất nặng và chắc chắn. Hiện nay, những quả cầu bằng gỗ được thay bằng cao su nhằm giảm thương tích không đáng có khi thi đấu, mỗi quả cầu nặng 12kg, 10kg và 8kg.
Trước khi bắt đầu thi đấu, các cầu thủ sẽ được trọng tài dẫn đi một vòng quanh sân để chào khán giả. Vật cầu là môn thể thao rèn luyện cả trí và lực, đồng thời mang tính mưu lược, nên có đầy đủ lứa tuổi khác nhau từ thiếu niên, U13 đến thanh niên trong làng tham gia. Mỗi lứa tuổi thì lại có một quả cầu tương ứng. Riêng hạng vật thiếu nhi năm nay sẽ sử dụng quả bòng (bưởi) thay cho các quả cầu bằng cao su để tránh chấn thương cho các em nhỏ.
Trọng tài sẽ đặt quả cầu vào hố giữa sân để bắt đầu trận đấu. Cầu thủ các đội sẽ lao vào tranh cướp cầu quyết liệt ở hố giữa sân. Các cầu thủ phải sử dụng mọi kỹ thuật và trí thông minh để đưa được cầu về hố gôn của đội mình. Trong khi đó, các đội còn lại phải tìm mọi cách để ngăn đội bạn đưa cầu về gôn và tìm cách giành lại cầu mang về gôn mình.
Trận đấu sẽ có 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút thi đấu. Mỗi đội đưa được quả cầu về gôn của mình sẽ được thưởng một giải con. Đội nào giành được 3 giải con sẽ được thưởng một giải cái. Trận đấu sẽ kết thúc khi có đội nào giành được giải cái hoặc đã hết 2 hiệp.
Quả cầu cái to và nặng nhất chỉ được dùng trong các trận bán kết và chung kết. Các cầu thủ sẽ phải dùng hết sức mình vừa để bê trái cầu vừa bứt phá khỏi sự truy cản của đối phương. Trong khi đó, các đội còn lại sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn cản đội bạn đưa cầu về gôn, thậm chí cắt cử cầu thủ đội mình nằm gọn luôn trong gôn của đội bạn để ngăn cầu chạm đáy gôn.
Sau phần thi đấu trình diễn của các cầu thủ nhí và lứa tuổi U13, sân đấu mới thực sự nóng lên với phần thi đấu chính thức của các đội vật thuộc các tổ dân phố phường Lĩnh Nam.
Trận đấu vòng loại diễn ra hết sức căng thẳng, quyết liệt khi các đội so kè nhau từng điểm số. Chỉ 2 đội có số điểm cao nhất mới giành quyền vào chơi trận chung kết sẽ được tổ chức ngày mồng 6 Tết.
Các đội tìm mọi cách để ngăn cản đội bạn đưa được cầu chạm đáy gôn bằng mọi cách tì đè, kéo, vật, cản người, đẩy bóng ra khỏi đường biên để đưa bóng về lỗ giữa sân, thậm chí cử người nằm sẵn trong lỗ gôn của đội bạn để ngăn đội bạn đưa cầu chạm đáy gôn.
Trận đấu vòng loại tại bảng A diễn ra kịch tính đến phút cuối cùng khi có 2 đội xếp thứ nhì cùng điểm số, buộc Ban Tổ chức phải tiến hành bốc thăm để định đoạt đội giành vé vào chơi trận chung kết.
Kết thúc ngày khai hội, ai cũng là người chiến thắng. Hội làng kéo mọi người xích lại gần nhau, đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đem lại niềm vui, phấn khởi cho những ngày đầu của năm mới, mang đến hy vọng cho một năm mới an khang và thịnh vượng. Ngày mồng 5 Tết, lễ hội sẽ tiếp tục với trận đấu loại bảng B để xác định nốt 2 đội tuyển sẽ lọt vào trận chung kết.
Trận chung kết của Lễ hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Hà Nội) sẽ diễn ra vào ngày mồng 6 Tết Giáp Thìn (tức ngày 15/02/2024 dương lịch)./.