Trung Quốc thí điểm nhập khẩu chanh leo Việt Nam từ 1/7

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng... Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc liên hệ đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn.

Ngày 1/7, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc...

Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.

an-chanh-leo-co-tot-khong1-1649846916816938309172-1656725165.jpg
Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc liên hệ đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn.

Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo từ ngày 1/7 là kết quả từ sự nỗ lực Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan trong suốt thời gian dài đàm phán vừa qua.

Trước đó, bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, vào ngày 21/6, Đoàn công tác Việt Nam do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu đã họp song phương với phía Trung Quốc do ông Bi Zhonglin, Đại sứ Thường trực của Trung Quốc tại WTO làm Trưởng đoàn.

Tại phiên họp, đại diện Việt Nam đã nêu nhiều đề nghị với phía nước bạn, trong đó có việc tăng cường hợp tác, đảm bảo giao thương nông sản. Trung Quốc hứa xem xét việc sớm mở cửa cho các nông sản khác như chanh leo, khoai lang tím và bưởi thời gian tới.

Cục Trồng trọt cho rằng, chanh leo nằm trong "Top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021". Năm năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%. Xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.

Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ. Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Australia, Nhật Bản, Thái Lan.

Năm nay, sản lượng chanh leo ước tính đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Đây là cây trồng được các địa phương đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận mỗi ha chanh leo lên tới 350-400 triệu đồng.

Cục Trồng trọt cho biết thêm, Cục đang tiến hành quy hoạch cho cây chanh leo, do loại cây này đang được giá, có thị trường và có “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu nên trước mắt dự kiến sẽ quy hoạch phát triển diện tích 10.000ha. Thời gian tới, nếu các địa phương muốn phát triển thêm cần gắn với các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp vì loại cây này đầu ra chủ yếu gắn với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

Bên cạnh chanh leo, sầu riêng cũng đang được Trung Quốc dự thảo nghị định thư, dự kiến sẽ ký trong năm nay.

Anh Vân (t/h)