Quảng cáo #128

TP.HCM phác thảo đề án xây dựng Trung tâm Hội chợ triễn lãm quốc tế

Mới đây, ngày 27/12, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội thảo “Hình thành Trung tâm Hội chợ triễn lãm quốc tế tại TP.HCM: Định hình cấu trúc, không gian quy hoạch và hệ sinh thái phát triển”. Nhằm tham vấn ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan bộ phận liên quan,... hướng đến xây dựng các Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế (TT HCTLQT) tại TP. HCM.
tthcqt-1735359651.jpg
Xây dựng thêm Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP. HCM là nhu cầu hết sức lớn cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM.

Tính cấp thiết trong việc xây dựng thêm Trung tâm Hội chợ triễn lãm quốc tế tại TP. HCM

Theo báo cáo của cơ quan tham mưu đề án “Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM” là Sở Công Thương TP HCM, trung bình hằng năm có trên 400 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức trên địa bàn TP.HCM, tăng bình quân 3,68%/năm. Hiện TP HCM có khoảng 188 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm, được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có không gian mở rộng, đã được các sở ngành rà soát, cập nhật có 188 vị trí, địa điểm để tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm trên địa bàn để các doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu tổ chức. Qua thống kê, mỗi năm TP.HCM có trên 400 triển lãm, hội chợ trên địa bàn với quy mô lớn, bé, vừa vừa đều có.

Như vậy, trung bình 1 ngày TP.HCM có đến ít nhất 1 hội chợ. Điều đó cho thấy nhu cầu hết sức lớn cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Tương lai, chúng ta phải hình thành nên một hệ sinh thái nhiều TT TLHC xứng tầm, đó là điều mà lãnh đạo TP hết sức quan tâm. Trong phạm vị, điều kiện của TP.HCM, chúng ta sẽ triển khai thực hiện mục tiêu này như thế nào cho phù hợp trong giai đoạn trước mắt và giai đoạn dài hơn, đến 2030 và 2035 để có được những TT HCTLQT xứng tầm”.

Chính vì vậy, trong phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã cho biết: “Việc hình thành TT HCTLQT tại TP.HCM là một việc làm hết sức cần thiết của TP và chúng ta đã thấy rất rõ tầm quan trọng. Trước đây TP có 1 TT HCTL ở quận Tân Bình tuy không rộng nhưng trong một giai đoạn đã góp phần cho những triển lãm, hội chợ của TP.HCM trưng bày hàng hoá do các doanh nghiệp của TP.HCM sản xuất, phục vụ cho nhu cầu của người dân TP. Sau đó, SECC ra đời cũng góp phần vào phục vụ hội chợ, triển lãm của TP.

Trong đó, ngoài 2 địa điểm tập trung (Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn - SECC và Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình - TBECC), còn lại hầu hết các địa điểm chủ yếu tận dụng từ các vị trí phù hợp sẵn có của địa phương, đáp ứng các điều kiện tối thiểu về các dịch vụ phục vụ (như điện, nước, an ninh, vệ sinh) như: Nhà Thiếu nhi, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao các quận - huyện, các khách sạn, nhà hàng, một số tuyến đường, khu dân cư…

Việc thiếu các địa điểm tổ chức các sự kiện Hội nghị, hội chợ, triển lãm quy mô lớn làm giảm đi những cơ hội trong hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng. Bên cạnh đó, còn hình thành các xu hướng chuyển dịch tổ chức các sự kiện Hội nghị, hội chợ, triển lãm về một số tỉnh lân cận.

Nhìn chung, các địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển TP.HCM. Nhiều hội chợ, triển lãm được tổ chức tại các trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa, công viên,... còn rất thiếu các địa điểm tập trung, được đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô lớn cũng như phát triển các dịch vụ bổ trợ xung quanh để thu hút các đối tác lớn trong và ngoài nước đến tham gia.

tthcqt-01-1735359696.jpg
Lưu ý 3 tiêu chí quan trọng trong quá trình hình thành, vận hành và phát triển các Trung tâm Hội nghị, hội chợ, triển lãm quốc tế.

“Kim chỉ nam” trong quá trình hình thành và vận hành Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế

Dựa trên các bài học kinh nghiệm từ 5 TT HCTLQT của một số quốc gia (Trung tâm Hội chợ Quốc tế Thượng Hải, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit, BITEC, Trung tâm Impact Bangkok và Singapore EXPO), có thể rút ra một số bài học quan trọng về phát triển và vận hành các TT HCTLQT hiện đại, có khả năng vận dụng cho TP.HCM.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về khung tiêu chí và các giải pháp về hạ tầng, định hướng phát triển TT HCTLQT, ThS.KTS Đỗ Nguyên Phong – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Thành phố cho biết, Đề án “Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại TP HCM” nghiên cứu khái quát về những kinh nghiệm, mô hình phát triển TT HCTLQT tại một số quốc gia đang phát triển mạnh cũng như các quốc gia có tiềm năng như Trung Quốc, Thái Lan và mô hình quản lý từ một số quốc gia Châu Âu và Châu Á để từ đó có cơ sở tham chiếu và đúc kết những kinh nghiệm có khả năng áp dụng cho TP.HCM.

Việc đúc kết các kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và vận hành các TT HCTLQT cũng như mô hình quản lý, ý tưởng thiết kế về hiệu quả không gian và các yếu tố cần lưu ý để phát triển bền vững của một số quốc gia điển hình, có sự phát triển mạnh trong lĩnh vực hội chợ, triển lãm là cơ sở quan trọng để TP.HCM vừa nắm bắt được những xu hướng, kinh nghiệm, mô hình phát triển của thế giới để vận dụng phù hợp với thực tiễn Thành phố. Từ đó, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế để hình thành các TT HCTLQT, định vị và khẳng định thương hiệu TP.HCM.

“Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của TP.HCM là doanh thu ngành công nghiệp triển lãm đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, đóng góp trên 0,6% GRDP vào năm 2030. Nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm hội nghị, hội chợ triển lãm hiện có trên địa bàn Thành phố, đảm bảo cơ bản các tính chất, chức năng, quy mô và trình độ công nghệ để thực hiện mục đích và công năng tổ chức cung cấp các dịch vụ hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Hình thành 1 - 2 TT HCTL (nhóm A, xây dựng mới giai đoạn 1) và ít nhất 3 Trung tâm hội nghị, hội chợ triển lãm (nhóm B), phân bổ hợp lý trên địa bàn TP Thủ Đức, các quận - huyện vùng ven TP.HCM.” ThS.KTS Đỗ Nguyên Phong cho biết.

ThS.KTS Đỗ Nguyên Phong lưu ý 3 tiêu chí quan trọng trong quá trình hình thành, vận hành và phát triển các Trung tâm Hội nghị, hội chợ, triển lãm quốc tế.

Về vị trí chiến lược: Lựa chọn vị trí để hình thành trung tâm nên ưu tiên các vị trí chiến lược, có hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối với hệ thống giao thông công cộng, thuận tiện trong di chuyển đến trung tâm (bằng cả phương tiện cá nhân và phương tiện giao thông công cộng).

Về dịch vụ phụ trợ: Cung cấp các hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ (khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,… ) để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, làm việc, khám phá văn hóa của du khách (các nhà triển lãm, các đối tác, khách tham quan) trong suốt thời gian tham gia hội nghị, hội chợ, triển lãm trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị, hội chợ, triển lãm hoặc nằm gần khu vực lân cận có các hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ nêu trên.

Về bãi giữ xe: Bố trí các bãi giữ xe lớn phục vụ nhu cầu gửi xe cao trong các sự kiện có quy mô lớn, tầm cỡ.

ThS.KTS Đỗ Nguyên Phong cho rằng, lựa chọn mô hình quản lý phù hợp và ý tưởng thiết kế để khai thác tối ưu hiệu quả không gian, lưu thông thông suốt cũng như để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của TT HCTLQT tại TP.HCM trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và từ thực tiễn. Trong đó, có thể xem xét đến vai trò quản lý của Nhà nước để định hướng hoạt động chung, thúc đẩy phát triển ngành hội chợ, triển lãm và có thể xem xét thành lập một Hiệp hội Hội chợ và Triển lãm TP.HCM.

Tiếp thu ý kiến và kết luận nội dung thảo luận, đại diện Tổ Công tác xây dựng Đề án – GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết: “Đây là các chất liệu quan trọng, cần thiết để Sở Công Thương cùng Tổ Công tác tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Đề án, định hướng cùng xác định các giải pháp, nguồn lực cụ thể trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp triển lãm, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện, hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị mang tầm quốc tế. Sở Công Thương cũng sẽ nhanh chóng tham mưu UBND TP các giải pháp để thực hiện ngay, trước mắt ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng 1 trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế đảm bảo phù hợp với quy hoạch TP, phát huy đúng mức vai trò của TP trong tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP nói riêng”.

Đúc kết, với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ quốc tế, TP.HCM đã và đang trở thành một trung tâm quy tụ các hoạt động giao thương sôi động cả trong, ngoài nước và sở hữu nhiều lợi thế để trở thành TT HCTLQT với quy mô lớn./.

Quốc Cường - Võ Nga