Tình quân dân trên đảo Tiền Tiêu

Chia nhau những thùng nước ngọt hiếm hoi, chung tay dựng nhà, làm bè; nương tựa vào nhau qua những ngày giông bão, dạy cho lũ trẻ làm quen với chữ đầu tiên… cứ thế, theo năm tháng, tình quân – dân trên đảo tiền tiêu Hòn Chuối ngày một gắn bó; trở thành điểm tựa để quân - dân vững tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Đảo Hòn Chuối nằm cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời khoảng 17 hải lý về hướng Tây. Để ra được với hòn đảo tiền tiêu này, phải mất từ 2,5 đến 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng tàu.

An cư giữa muôn trùng sóng

Nhìn từ xa đảo Hòn Chuối như chấm xanh nổi bật giữa nền trời và mênh mông sóng nước. Đặt chân lên đảo, men theo những lối đi chênh vênh giữa núi và đá, thi thoảng sẽ bắt gặp những ngôi nhà to nhỏ, cao thấp dựa lưng vào đá. Vừa đủ thấm mệt cũng là lúc chúng tôi dừng chân trước cổng Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

Trò chuyện cùng chúng tôi dưới tán xoài xum xuê, Thiếu tá Lê Quốc Cường - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối - cho biết: Đảo Hòn Chuối hiện có 3 đơn vị quân độ đóng quân là Trạm Hải đăng Hòn Chuối, Trạm Ra đa thuộc Vùng 5 Hải quân và Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau). Cùng với đó là các cư dân ra đảo lập nghiệp... Hiện tại là 68 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu.

anh-1-1648191896.jpg
Đ/c Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thăm và tặng nước ngọt cho bà con cư dân Hòn Chuối ( Tháng 5/2021).

Nói về cái khó của Hòn Chuối thì có thể “kể cả ngày không hết” khi mà Hòn Chuối chỉ là một hòn đảo nhỏ, nằm chênh vênh giữa biển, đối diện với muôn trùng sóng gió. Đời sống của cư dân chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản, trồng cây ăn trái, lấy củ, quả trên đảo để sinh sống, nhà cửa được làm tạm bợ, chỉ đủ che mưa, tránh nắng…

Đã vậy, để phù hợp với thời tiết trên đảo, cư dân Hòn Chuối năm nào cũng 2 lần chuyển nhà. Từ tháng Chín đến tháng Ba âm lịch, người dân sống Hòn Chuối thường sống sở Gành Nam để tránh gió chướng. Từ tháng Ba đến tháng Chín âm lịch, nhà nhà lại gồng gánh nhau về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, cả hai phía hòn đều lặng sóng.

Ngồi trước cửa căn nhà hướng ra biển lồng lộng gió, anh Hồng Nhật Trường, cư dân có thâm niên 20 năm ở đảo Hòn Chuối cho biết: Mỗi năm phải dọn nhà 2 lần, mỗi lần chuyển nhà giống 1 lần làm mới, vừa tốn kém tiền của, vừa tốn thời gian, công sức. Không chỉ nhà ở, mà cả lồng bè nuôi cá của cư dân cũng phải chuyển theo. Việc vận chuyển phải hết sức khéo léo để không rách mùng hay va đập hư hỏng bè.

anh-2-1648191896.jpg
Nước ngọt được Đồn BP dự trữ để sử dụng vào mùa khô.

Theo anh Đỗ Tuấn Hiệp, tổ trưởng an ninh tự quản đảo Hòn Chuối, trong rất nhiều khó khăn, thì thiếu nước ngọt đến nay vẫn là khó khăn thường trực với quân, dân Hòn Chuối. Do không có nguồn nước ngọt tự nhiên nên với người dân Hòn Chuối, mỗi cơn mưa luôn quý hơn vàng. Khi có mưa, người dân sẽ hứng nước ngọt, trữ trong các bồn chứa và sử dụng làm nước ăn. Những sinh hoạt cá nhân như tắm giặt thì dùng nước biển sau đó “tráng lại” bằng vài lít nước ngọt. Nhiều khi hết nước, cư dân Hòn Chuối chỉ biết lên Đồn Biên phòng nhờ bộ đội hay ngóng những con tàu từ đất liền ra thu mua hải sản, bán dầu, nước đá để xin nước dự trữ dùng dần…

Việc khó có bộ đội biên phòng

anh-3-1648191896.jpg
CBCS Đồn BP Hòn Chuối nổ lực đưa ngư dân từ tàu cá và lồng bè vào bờ trong đợt áp thấp nhiệt đới năm 2020.

Khó khăn là vậy, nhưng so với những ngày đầu – khi người dân ra đảo Hòn Chuối lập nghiệp, thì cuộc sống hiện tại ở Hòn Chuối nay đã phát triển hơn rất nhiều: Trên đảo chưa có điện lưới quốc gia, nhưng cư dân tự trang bị máy phát điện, hoặc điện năng lượng mặt trời; hàng ngày người dân được tiếp cận thông tin qua các kênh sóng phát thanh, truyền hình, mạng internet…Ngoài đánh bắt hải sản tự nhiên, người dân đã nuôi thêm cá bớp lồng bè để tăng thu nhập. Theo thống kê, đảo Hòn Chuối có 37 hộ/68 hộ đang nuôi cá bớp lồng bè với 196 bè, khoảng trên 30.000 con cá giống. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, nhiều hộ thu được cả vài trăm đến cả tỉ đồng…

Phấn khởi vì cuộc sống đang ngày càng đổi thay tích cực, anh Hồng Nhật Trường bộc bạch: Sóng gió có lúc nào ngớt đâu, nhưng an tâm bám đảo rồi vì bà con thương quý nhau, bộ đội biên phòng cũng giúp đỡ nhiều lắm. Mấy chục năm qua, nếu không có cán bộ biên phòng, cư dân trên đảo khó bề xoay xở. “Cuối năm 2020 tin bão xa rồi áp thấp nhiệt đới, biển động, nhiều phương tiện của ngư dân vào đảo trú tránh. Tuy nhiên, khi gió mạnh nhiều người không lên được đảo, mắc kẹt trên tàu. Cùng với đó, hàng chục bè cá đứng trước nguy cơ bị trôi dạt; tính mạng nhiều người trên bè bị đe dọa. Do sóng to, gió giật không thể đưa phương tiện ra để đón người, cán bộ chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã hướng dẫn chúng tôi dùng dây nối các phao cứu sinh và thả trôi vào đảo để anh em cố định một đầu trên đảo và lần lượt ngư dân và những người trên bè cá mặc áo pháo bám vào dây để anh em kéo vào bờ. Trận bão năm đó, thiệt hại nhiều về tài sản, nhưng may sao không có thiệt hại về người” - anh Trường nhớ lại.

Nếu như cư dân Hòn Chuối nặng ân tình với bộ đội biên phòng bởi những lần các anh dầm mưa, dãi nắng giúp dân chằng chéo nhà cửa; di chuyển bè cá; san sẻ từng can nước ngọt vào mùa khô… thì với những đứa trẻ ở Hòn Chuối, những chú bộ đội biên phòng là người thầy giáo mang quân hàm xanh mà chúng yêu quý nhất. Không ai khác, chính các chú bộ đội biên phòng tự tay kiếm lá lợp lớp học, tranh thủ thu xếp công việc để dạy trẻ làm quen với con chữ, phép tính; đến tận nhà dỗ dành nếu hôm nào đó có đứa nào làm biếng không đến lớp…. Hết lớp 1, lớp 2, rồi lớp 3, lớp 4… nhờ có bộ đội biên phòng, đảo dẫu xa, con sóng dẫu gập ghềnh nhưng hành trình học tập của những đứa trẻ trên đảo không vì thế mà đứt đoạn…

anh-4-1648192236.JPG
Lớp học “6 trong 1” do thầy giáo quân hàm xanh đảm nhiệm.

Trong câu chuyện với chúng tôi về tinh thần vượt khó của quân – dân Hòn Chuối, Đồn trưởng, Thiếu tá Lê Quốc Cường chia sẻ: Đến nay, đảo Hòn Chuối vẫn chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, nước ngọt vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của quân, dân trên đảo. Vậy nhưng, tinh thần của quân, dân Hòn Chuối đã vững vàng, tự tin và an tâm hơn rất nhiều – không chỉ bởi những chính sách ưu tiên dành cho biển đảo mà còn bởi tinh thần, đoàn kết, tương trợ của quân và dân ngày càng bền chặt, gắn bó.

***

Chào Hòn Chuối trở về đất liền, chúng tôi bỗng thấy đảo không còn xa nữa, những con sóng xô gành đá cũng trở nên hiền hòa hơn. Biển có thể chưa yên, nhưng lòng người yên – đó chính là yếu tố quan trọng để đảo Hòn Chuối luôn thanh bình và ngày càng phát triển.
anh-5-1648192236.JPG
CBCS Đồn BP Hòn Chuối tuần tra bảo vệ mục tiêu trên đảo.
Lê Khoa