Tính cấp thiết của giải pháp nhà ở bền vững Việt Nam 2024

Trong quá trình phát triển đô thị, đi đôi với nhịp sống hiện đại hoá, con người ngày càng quan tâm đến lối sống bền vững, có rất nhiều mô hình và quan điểm được đề xuất về đơn vị nhà ở. Về cơ bản các mô hình đều xuất phát từ mong muốn đáp ứng cao nhất chất lượng cuộc sống của con người. Mục tiêu của mỗi đơn vị nhà ở bền vững chính là ‘con người’, con người là trung tâm của mọi sự phát triển.
1-1718592109.jpg
Các chuyên gia, diễn giả nhấn mạnh tính cấp thiết của giải pháp nhà ở bền vững tại Diễn đàn nhà ở Việt Nam 2024.

Diễn đàn nhà ở Việt Nam 2024 do Habitat Vietnam phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức vừa qua tại Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chỗ ở tươm tất và các khó khăn, thách thức mà các nhóm dễ bị tổn thương phải đối mặt, bao gồm các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cộng đồng ở khu vực dễ bị thiên tai, người lao động nhập cư và người khuyết tật. Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy sự tham gia và cam kết từ nhiều bên liên quan, qua đó chia sẻ và quảng bá các công nghệ sáng tạo, thực hành tốt và mô hình tài chính giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhà ở và các ngành liên quan.

Đồng thời, Diễn đàn nhằm tạo dựng một nền tảng để các bên quan tâm thảo luận tìm kiếm giải pháp cho những thách thức về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 cũng như những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, cơ sở đào tạo, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hợp tác phát triển các nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước và cá nhân quan tâm để cùng nhau tìm ra các giải pháp nhà ở bền vững và toàn diện. 

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Bells Regino Borja - Giám đốc Quốc gia của Habitat Vietnam đã bày tỏ tính cấp thiết: “Cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở, vốn không chỉ là nơi trú ẩn mà còn nơi duy trì sự phát triển của cộng đồng trước những thách thức về môi trường và kinh tế. Diễn đàn này là cột mốc quan trọng cho các giải pháp nhà ở sáng tạo, bền vững và toàn diện”.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài chia sẻ: “Diễn đàn nhà ở Việt Nam 2024 là một cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực nhà ở. Tôi tin rằng, với sự chung tay của tất cả quý vị, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp hiệu quả và bền vững để mang lại một ngôi nhà an toàn, tiện nghi và bền vững cho mọi người dân Việt Nam”.

2-1718592142.jpg
Mục tiêu của mỗi đơn vị nhà ở bền vững chính là ‘con người’, con người là trung tâm của mọi sự phát triển.

Đối với nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn; Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án, quy mô 115.379 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 300 dự án với quy mô 262.937 căn.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong giai đoạn thực hiện Luật Nhà ở 2014, từ đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách về nhà ở bao gồm: Nhà ở thương mại; nhà ở xã hội trong đó có nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân, hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu.

Trình bày tham luận tổng quan về chính sách xã hội về nhà ở của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bà Phạm Phương Liên - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp và sự vươn lên của bản thân các hộ gia đình, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở được ban hành, giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách cải thiện được nhà ở”.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã bộc lộ một số hạn chế do nhiều nguyên nhân, cần được khắc phục trong thời gian tới nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội”, bà Phạm Phương Liên cho biết thêm.

Ông Trương Duy - Điều phối viên Phát triển nguồn lực tổ chức Habitat for Humanity International tại Việt Nam chia sẻ: “Con đường để các hộ gia đình dễ bị tổn thương có thể tạo dựng cho mình một nơi ở tươm tất thường có nhiều chông gai và thách thức, bao gồm các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cộng đồng ở khu vực dễ bị thiên tai, người lao động nhập cư và người khuyết tật, ngoài ra khó khăn không chỉ đến từ chính hộ gia đình mà có thể còn từ các tác nhân bên ngoài. Từ đó, Habitat đã đặt ra 5 cách thức tiếp cận bao gồm: Hỗ trợ tài chính, vật liệu và kỹ thuật, nâng cao năng lực, kết nối và chia sẻ, và huy động nguồn lực”.

Tại Diễn đàn nhà ở Việt Nam 2024 cũng đã ghi nhận nhiều nội dung, ý kiến thúc đẩy sự tham gia và cam kết từ nhiều bên liên quan, qua đó chia sẻ và quảng bá các công nghệ sáng tạo, thực hành tốt và mô hình tài chính giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhà ở và các ngành liên quan./.

Đạm Quang Lê