Tiền Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết

Nhằm góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ, cung ứng thị trường Tết gần 402 tỷ đồng. Riêng lượng hàng hóa thiết yếu: gạo, đường kết tinh, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm…trị giá trên 97 tỷ đồng.

Chương trình dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Tiền Giang bắt đầu triển khai từ ngày 3/1/2022 (tức mồng 1 tháng Chạp Âm lịch) và kéo dài đến ngày 2/3 (tức 30 tháng Giêng Âm lịch).

Theo chương trình này, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường phải bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng và giá cả hợp lý, ổn định thị trường. Song song đó, phải phục vụ tốt người tiêu dùng, chú trọng các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, các đơn vị sẽ được xem xét cho vay ưu đãi với mức giảm từ 1,5 - 2,5% so lãi suất thông thường trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân, với nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ được hỗ trợ kinh phí treo băng rôn tuyên truyền, cổ động tại các điểm bán hàng bình ổn.

photo1639876804738-16398768069831231022623-1641274758.jpeg
Ảnh minh hoạ

Theo ghi nhận, đến nay có 3 đơn vị được hưởng chính sách cho vay ưu đãi theo chương trình là: Hợp tác xã thương mại – dịch vụ Phường 1 (thành phố Mỹ Tho), Công ty Lương thực Tiền Giang và Hợp tác xã Vĩnh Kim, với tổng số tiền được vay ưu đãi để dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán gần 28,9 tỷ đồng.

Tới đây, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan khẩn trương thực hiện việc dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu theo kế hoạch được duyệt, ưu tiên dùng hàng Việt; đồng thời, mở rộng mạng lưới bán lẻ trên địa bàn, đăng ký và niêm yết giá bán từng mặt hàng cụ thể; tích cực tham gia chương trình Hàng Việt về nông thôn…

Cụ thể, các đơn vị được khuyến khích bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng chủng loại tại thời điểm đăng ký. Mỗi đơn vị có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán, niêm yết giá công khai từng mặt hàng thiết yếu diện bình ổn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như tuân thủ qui định chung về dự trữ và bán hàng bình ổn cũng như kiểm tra, giám sát của ngành chức năng về triển khai thực hiện Chương trình dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trong nỗ lực khôi phục sản xuất, ổn định đời sống trong tình hình mới, nông dân Tiền Giang cũng tất bật chuẩn bị vụ hoa màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.

Cụ thể, bà con gieo trồng 1.425 ha rau màu, chăm sóc trên 10.000 ha cây ăn quả đặc sản, gần 1.000 ha dưa hấu phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Dịp Tết Nguyên đán 2022, nông dân Tiền Giang cung ứng khoảng 27.000 tấn rau màu, gần 85.000 tấn trái cây các loại và 1.070.000 giỏ hoa kiểng, khoảng 4.000 tấn thịt lợn, 1.200 tấn tôm, 500 tấn nghêu, 2.000 tấn cá tra thương phẩm và 500 tấn cá điêu hồng phục vụ nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn đánh giá, với nỗ lực chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân, nguồn hàng hóa Tết năm nay sẽ dồi dào, giá cả ổn định phục vụ bà con vui xuân đón Tết trong an lành để cùng chung sức kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội bền vững năm 2022./.