Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam chủ động tham gia “cuộc chơi”

Cần chủ động tham gia “cuộc chơi” quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu, đây là khuyến nghị của chuyên gia kinh tế về động thái chính sách cần có để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội.

Bắt đầu từ năm 2024, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, nhằm chống cạnh tranh thu hút đầu tư bằng cách ưu đãi giảm thuế, hay còn được nhìn nhận là “cuộc đua xuống đáy” trong thu hút đầu tư.

Theo cơ chế thuế này, công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro, tương đương 800 triệu USD trở lên, sẽ phải chịu mức thuế thu nhập DN tối thiểu là 15%. Nếu DN hưởng ưu đãi ở nước đầu tư với mức thuế dưới 15%, phải nộp phần chênh lệch thuế cho nước mà DN đặt trụ sở chính. Hiện nay, Việt Nam đang đánh giá tác động để cân nhắc có áp dụng cơ chế thuế này hay không.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, Việt Nam nên thực hiện đánh thuế, bởi đó là thực hiện quyền thu thuế, nếu không thực hiện là mất quyền này. Cần tham gia một cách chủ động không phải để ứng phó.

vn-1682998226.jpg
Việt Nam đang đánh giá tác động để cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần áp dụng chính sách thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn, một giải pháp cũng được OECD khuyến nghị. Phần thu thêm từ mức ưu đãi thuế đang áp dụng để đạt chuẩn 15%, Nhà nước có thể hỗ trợ lại DN, như về tiền thuê đất, đào tạo nhân lực, chi phí nghiên cứu phát triển R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân…

Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đây mới là chính sách hỗ trợ mà DN cần. “Với những ưu thế của Việt Nam, xu thế đầu tư vào Việt Nam và xu thế cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, kể cả không nói đến thuế tối thiểu toàn cầu cũng phải nghĩ đến chính sách thu hút đầu tư giai đoạn mới. Như mũi nhọn dệt may xuất khẩu, năm rồi Bangladesh vượt qua Việt Nam một phần vì DN dệt may được chính phủ ưu đãi rất lớn, cho xanh hóa nhà máy phù hợp tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ”, ông Minh đơn cử.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, với những DN đang được ưu đãi thuế cần áp dụng thu thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn, kết hợp với bù đắp bằng chính sách hỗ trợ, như về nghiên cứu phát triển và đầu tư xanh hóa. Đặc biệt, dùng các chính sách hỗ trợ này với mức ưu đãi cao hơn, đột phá hơn, tạo thành đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư mới theo chiến lược và định hướng ưu tiên phát triển kinh tế xanh và kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn mới./.