Thủ tục thu hồi đất để thực hiện các dự án

Nhà nước ban hành các quyết định thu hồi đất của người sử dụng và giao đất, cho thuê đất hoặc bàn giao quỹ đất công, đất chưa sử dụng để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất trong hai nhóm: Một là, cho mục đích quốc phòng, an ninh và hai là, cho mục đích để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì dự án phải trong danh mục loại dự án của Điều 62 và với thẩm quyền: dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách dự án cần thu hồi đất.

quoc-dong-1636257542.jpg

Luật sư Nguyễn Quốc Đông

Việc lập danh mục dự án cần thu hồi đất sẽ do UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo Điều 36 Thông tư 01/2021/TT-BTNMT (trước đây, Điều 56 Thông tư 29/2014/TT-BTNMT) và được HĐND cấp tỉnh phê duyệt. Các dự án cần thu hồi đất, không quy định buộc phải có quyết định chủ trương đầu tư dự án trước khi lập danh mục dự án cần thu hồi đất.

Ngoài trường hợp trên, Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp khác như: do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Đối với trường hợp người dân hiến đất (làm đường giao thông, công trình công cộng,…) là việc chấm dứt việc sử dụng đất nhưng Luật Đất đai 2013 không có quy định về vấ đề này. Nhiều địa phương áp dụng việc hiến đất như việc thu hồi đất không nhận bồi thường, tuy nhiên một số địa phương sử dụng mặt bằng khi người dân chưa đồng ý việc hiến đất, chưa có quyết định thu hồi đất, thu hồi đất nhưng không có quyết định bồi thường là không đúng quy định Luật Đất đai 2013.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất (Điều 67, Điều 69)

Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày (đất nông nghiệp) và 180 ngày (đất phi nông nghiệp), Ủy Ban Nhân Dân cấp có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất (Mẫu số 07 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT) cho từng người có đất thu hồi và thông báo, niêm yết về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm (Điều 67).

Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp để điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thông qua Biên bản kiểm kê theo biểu mẫu của UBND cấp tỉnh về trình tự thủ tục thu hồi đất. Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp thì Cơ quan địa phương vận động và thuyết phục, sau 10 ngày nhưng vẫn không phối hợp thì Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.

Biên bản kiểm kê bảo đảm chính xác các thông tin về đất, tài sản gắn liền với đất, nhân khẩu. Trên thực tế, việc kiểm kê có áp dụng quy định pháp luật, do đó có những trường hợp xảy ra sai sót như: thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, đất trong hành lang an toàn giao thông, nguồn gốc, ranh giới,… sẽ dẫn đến việc tính bồi thường không đúng. Nếu phát hiện các sai sót trong Biên bản kiểm kê thì người dân cần đề nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc đề nghị đo đạc, kiểm đếm lại. Trường hợp ý kiến không giải quyết thì người dân có quyền khiếu nại hành chính hoặc khởi kiện ra Tòa án trong thời hạn theo quy định.

Đối với các dự án do Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường lập phương án bồi thường, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và tổ chức lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân ít nhất là 20 ngày và lập thành biên bản. (Khoản 2 Điều 28 Nghị định 47/2014/NĐ-CP).

Nội dung dự thảo phương án bồi thường bao gồm: căn cứ tính toán, giá đất tính bồi thường, công trình, nhân khẩu, lao động trong độ tuổi, Cơ quan TN&MT thẩm định và trình UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất để phê duyệt phương án bồi thường. Việc quyết định thu hồi đất được ban hành sau khi phê duyệt phương án bồi thường hoặc chậm nhất là trong cùng một ngày (Điều 69). Sau khi được phê duyệt, phương án bồi thường được niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân Cấp Xã, Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đất công ích của cấp xã. UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả các đối tượng trên thì UỶ Ban Nhân Dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất. (Điều 66) Quyết định thu hồi đất được thực hiện theo Mẫu số 10 của Thông tư 30/2014/TT-BTNMT và sau đó Ủy Ban Nhân Dân quyết định thu hồi đất sẽ ban hành quyết định bồi thường giao cho người dân.

Thời điểm phải chấp hành quyết định thu hồi đất khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai. (Khoản 4 Điều 67)

Trên thực tế, đa số các trường hợp Nhà nước thu hồi đất đều được người sử dụng đất đồng thuận và chấp hành, tuy nhiên vì một số lý do như: việc kiểm đếm không đúng, áp dụng phân loại đất không phù hợp, giá đất bồi thường không phù hợp….nên dẫn đến việc không tự nguyện giao đất, phải tiến hành cưỡng chế đã gây nên những bất ổn và nhiều sự xáo trộn trong đời sống xã hội.

Đối với người dân, quyết định thu hồi đất là đúng quy định pháp luật nếu như dự án thuộc danh mục dự án tại Điều 62 Luật Đất đai 2013, danh mục dự án cần thu hồi đất đã được HĐND cấp tỉnh phê duyệt, đúng trình tự thủ tục thu hồi đất. Trên thực tế, nhiều vụ án hành chính đã được Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất không đúng trình tự thủ tục nên đồng thời hủy luôn quyết định bồi thường để thực hiện thủ tục thu hồi đất, tính giá đất bồi thường cùng thời điểm thu hồi đất.

quoc-dong-1-1636257636.jpg

Luật sư Nguyễn Quốc Đông ( Bên phải ảnh)

Tuy nhiên, cần lưu ý, các vấn đề khác như: không đồng ý nhận hoặc không được nhận quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, tiền bồi thường, không phải là căn cứ để yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất mà chỉ được xem xét đến sự ảnh hưởng về thời hạn khiếu nại và khởi kiện, quyền yêu cầu lãi đối với chậm chi trả tiền bồi thường.

Trường hợp không thống nhất với giá đất bồi thường thì người dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến ngay khi lập dự thảo phương án bồi thường và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo thủ tục hành chính khi phương án bồi thường được phê duyệt và công bố, niêm yết tại UBND cấp xã hoặc khi nhận đượcquyết định bồi thường cụ thể của mình.

Nếu không tự nguyện giao đất hoặc khởi kiện hủy quyết định thu hồi đất sẽ dẫn đến hậu quả là vẫn bị cưỡng chế giao đất hoặc Tòa án không chấp nhận yêu cầu vì giá đất bồi thường thấp không phải là căn cứ xác định việc thu hồi đất là đúng hay sai quy định pháp luật. Người dân cần lưu ý, do xác định sai vấn đề, việc khiến nại hay khởi kiện sẽ không đúng căn cứ pháp luật, khi đó người dân cũng dễ dẫn đến mất luôn thời hạn khiếu nại hay khởi kiện về giá đất bồi thường.

Để người dân đồng thuận và hóa giải sự hiểu sai về thu hồi đất, Cơ quan nhà nước cần thực hiện đầy đủ đúng trình tự thủ tục thu hồi đất, áp dụng đúng quy định trong kiểm đếm, phân loại đất, tính giá đất cụ thể bồi thường đồng thời công khai theo quy định để dân biết và giải quyết ngay khi có những ý kiến của người dân.

Luật sư Nguyễn Quốc Đông