Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo có xu hướng tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng nhẹ.
2104240719-20200929084202007gia-lua-gao-hom-nay-ngay-299-gia-gao-tang-nhe-chop-14-0-1601424978-1633243489.jpg
Giá gạo có xu hướng tăng trong tuần qua. Ảnh minh họa.

Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.100 đồng/kg, giá bình quân là 4.950 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.250 đồng/kg, trung bình là 6.175 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Cùng với đó, giá các loại gạo cũng có xu hướng tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.400 đồng/kg, giá bình quân 9.243 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.200 đồng/kg, giá bình quân 9.008 đồng/kg, tăng 173 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.000 đồng/kg, giá bình quân 8.775 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, tại Sóc Trăng, giá các loại lúa vẫn ổn định như: OM4900 là 7.500 đồng/kg,  OM6976 là 6.500 đồng/kg, ST24 là 8.050 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, một vài loại lúa có mức giảm 100 đồng/kg, như OM5451 còn 6.300 đồng/kg; IR50404 ở mức 5.800 đồng/kg và Đài thơm 8 là 6.600 đồng/kg.

Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa ổn định như IR50404 ở mức 5.700 đồng/kg, OM4218 ở mức 6.100 đồng/kg, riêng Jasmine là 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Tại An Giang, giá lúa gạo nhìn chung ổn định. Giá lúa tươi như OM9582 từ 4.800-4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.600-5.800 đồng/kg; OM6976 từ 5.000-5.200 đồng/kg; Nàng hoa từ 6.000-6.100 đồng/kg; IR50404 từ 4.500-4.700 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hoạch và tiêu thụ lúa Hè Thu với gần 1.780 nghìn ha gần như kết thúc. Các địa phương đang tích cực chăm sóc và thu hoạch lúa Thu Đông.

Vụ lúa Thu Đông năm nay nông dân thành phố Cần Thơ xuống giống gần 70.000 ha, đạt 120% kế hoạch và cao hơn 1.306 ha so với cùng kỳ năm 2020. Những ngày qua, nhờ thành phố nới lỏng giãn cách xã hội và được ngành chức năng hỗ trợ nên việc thu hoạch diễn ra thuận lợi. Lúa tươi thu hoạch xong được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Tuy giá lúa Thu Đông năm nay thấp hơn các vụ trước nhưng người dân vẫn có lãi, dù không được như mong muốn.

Vụ lúa Thu Đông năm nay ở Cần Thơ bắt đầu thu hoạch trong bối cảnh thành phố vẫn còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để việc thu hoạch, tiêu thụ lúa Thu Đông được thuận lợi, vừa đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Cùng với đó, hiện các địa phương đã lên kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022. Những vùng ven biển, có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang với khoảng 400.000 ha chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân vùng Nam Bộ sẽ gieo cấy xong trong tháng 10 nhằm né mặn.

Cùng chung xu hướng với giá lúa gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao trong hai tháng rưỡi qua trong phiên ngày 30/9 trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng khiến chi phí thu mua tăng theo. Trong khi đó, mưa lớn ở các bang trồng lúa chính của Ấn Độ làm gia tăng lo ngại về tình hình mùa vụ tại nước này.
 
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, so với mức từ 415-420 USD/tấn trong tuần trước.
 
Các thương nhân cho biết nhu cầu trong nước đang tăng lên trong bối cảnh chính phủ thu mua gạo từ nông dân để tích trữ vào kho dự trữ quốc gia, dẫn đến mức giá gạo trong nước cao hơn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn giảm.
 
Trong thời gian từ tháng 1-9/2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 9,5% so với cùng giai đoạn năm ngoái xuống 4,5 triệu tấn. Riêng xuất khẩu trong tháng 9/2021 được dự báo ở mức 530.000 tấn.
 
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu đi, bất chấp việc mưa lớn tại nước này làm gia tăng lo ngại về sản lượng lúa gạo.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống mức từ 358 - 363 USD/tấn so với mức từ 360-365 USD/tấn trong tuần trước.
 
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua tại các bang phía đông và phía nam có thể làm ảnh hưởng đến vụ gieo mạ sớm của nước này.
 
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 385-386 USD/tấn so với mức từ 380-386 USD/tấn trong tuần trước.
 
Các thương nhân cho biết nhu cầu đã cải thiện một chút, nhưng chi phí vận chuyển đắt đỏ vẫn là một trở ngại cho xuất khẩu.
 
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước vẫn ở mức cao bất chấp sản lượng vụ Hè cao kỷ lục và khối lượng nhập khẩu gạo lớn.
 
Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn do nguồn dự trữ cạn kiệt và giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục sau khi lũ lụt triền miên đã tàn phá vụ mùa trong năm 2020.
 
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn giao dịch tại thị trường Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 1/10; trong đó giá ngô và lúa mỳ tăng, còn giá đậu tương giảm.
 
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 4,75 xu Mỹ (0,88%) lên 5,415 USD/bushel, giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 29,75 xu Mỹ (4,1%) lên 7,5525 USD/bushel. Trong khi giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 9,5 xu Mỹ (0,76%) xuống 12,465 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
 
Giá lúa mỳ đã tăng mạnh do vấn đề liên quan đến nguồn cung ngày càng tăng khiến Nga không thể xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, và chi phí nhập khẩu ngô từ Brazil và Ukraine vào châu Âu sẽ khá cao.
 
Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đợi báo cáo cập nhật tháng 10 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về tình hình cây trồng.
 
Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy cuối tuần sẽ có mưa rào nhẹ ở khu vực đồng bằng, Đông Nam và Đông Trung Tây. Sau đó từ ngày 4-11/10, thời tiết sẽ trở nên ấm và khô ở những khu vực này; trong đó hoạt đông thu hoạch ngô dự kiến sẽ vượt 50% vào giữa tháng này.
 
Công ty nghiên cứu AgResource cho rằng triển vọng giá đậu tương khá ổn định trong khoảng 12,40-13,25 USD, trong khi giá ngô và lúa mì có thể sẽ tiếp tục tăng do không có sự cạnh tranh từ các mặt hàng xuất khẩu của Nam Mỹ cho đến cuối vụ Xuân Hè 2022.
 
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2021 trên sàn ICE Europe – London tăng thêm 42 USD, lên 2.168 USD/tấn, còn giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 trên sàn ICE US – New York tăng thêm 10,05 xu Mỹ lên 204,05 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg).
 
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ 600 – 700 đồng, dao dộng từ 41.100 – 41.700 đồng/kg.
 
Theo các nhà phân tích, giá cà phê tăng vọt ngay phiên đầu tiên của niên vụ cà phê mới 2021/2022 xuất phát từ mối lo nguồn cung khi báo cáo tồn kho tại cả hai sàn tiếp tục giảm sâu. Trong khi dòng vốn đầu cơ cần cân đối, điều chỉnh trước suy đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất tại phiên họp chính sách trong tháng 11/2021.
 
Giới quan sát kỳ vọng thị trường cà phê toàn cầu sẽ thiết lập chu kỳ giá mới mà mối lo nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu được xem là sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Bích Hồng - Minh Hằng