Thanh Hoá:

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc bảo vệ môi trường

Nhiều năm qua, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với việc bảo vệ môi trường luôn được người dân quan tâm, điều này góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
van-hoa-ban-ngam-2mp400-02-33-02still001-1705306565.jpg
Bản Ngàm, xã Sơn Điện đã và đang là điểm du lịch cộng đồng yêu thích ở Quan Sơn.

Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) từ lâu nổi tiếng với nhiều hang động đẹp như động Bo Cúng, hang Nang Non, hang Pha Bái, hang Co Láy, hang Pha Khua... Trong đó, động Bo Cúng là điểm du lịch thu hút đông khách du lịch khi đến với Quan Sơn. Động Bo Cúng thuộc bản Chanh (xã Sơn Thủy), được người dân địa phương phát hiện từ năm 2008. Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, động ngày càng hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá. Với gần 1 km chiều dài động, du khách được thỏa chí tưởng tượng khi ngắm nhìn hàng trăm thạch nhũ đa dạng hình thù, màu sắc, nhiều thạch nhũ giống như đóa hoa sen, thạch nhũ khác lại như cột chống trời, con chim đại bàng...

Nhiều chuyên gia đã từng đến khảo sát đều khẳng định động Bo Cúng là một trong những động có hệ thống thạch nhũ đẹp, kỳ thú, tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là nơi thu hút đông lượng khách du lịch là người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Khám phá động Bo Cúng du khách sẽ được kết nối tham quan thêm các hang động đẹp ở Quan Sơn.

Bản Ngàm (xã Sơn Điện) đã và đang là điểm du lịch cộng đồng yêu thích ở Quan Sơn. Bản Ngàm có gần 80 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Thái bởi vậy nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn và đầy đủ sắc thái văn hóa của dân tộc Thái. Đến với bản Ngàm, du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng sơn cước, những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực đặc trưng dân tộc.

Đặc biệt, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, tắm mó nước dẫn từ đầu nguồn khe suối về, hay tham gia hoạt động sản xuất cùng người dân, nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn mang đậm kiến trúc người Thái xưa. Ngoài ra, du khách được tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, mua sắm các sản vật đặc trưng của người Thái.

dji-0171mp400-00-02-10still001-1705306620.jpg
Đến với bản Ngàm, du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng sơn cước, những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực đặc trưng dân tộc.

Hiện, bản Ngàm đã có hơn 20 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch. Các hộ được tham gia tập huấn, dạy kiến thức và kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Các hộ cũng đầu tư, sửa sang nhà cửa, xây mới nhiều công trình phụ trợ, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, xây dựng khuôn viên xanh.

Xã cũng đã thành lập đội văn nghệ gồm 30 thành viên chuyên đi biểu diễn, phục vụ du khách với các tiết mục mang đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái. Đến với bản Ngàm du khách còn được tham gia trải nghiệm đi bè tre trên sông Luồng, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp và cảm nhận làn nước mát lạnh của dòng sông.

mvi-5319mp400-00-05-06still001-1705306729.jpg
 

Những năm qua, huyện Quan Sơn đã ban hành nhiều đề án phát triển du lịch cộng đồng, như “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đề án phát triển du lịch hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch phát triển du lịch huyện Quan Sơn đến năm 2025...

Sau khi các đề án được phê duyệt, huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, kế hoạch thực hiện đến các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định thời gian triển khai thực hiện. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Theo đó, huyện Quan Sơn đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, trùng tu các di tích, đầu tư khai thác danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tính riêng trong năm 2022 huyện đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ du lịch, như tuyến đường giao thông dẫn vào thắng cảnh động Bo Cúng, hệ thống đèn sáng, đèn màu trong hang...

dji-0143mp400-00-32-25still001-1705307039.jpg
 

Trong năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Quan Sơn đến nay đã có bước phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống của người dân. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 17 cơ sở lưu trú du lịch với trên 90 buồng, phòng, trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn; 5 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ; 10 homstay; một số dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch phát triển mạnh như karaoke, vui chơi giải trí cho trẻ em.

Huyện đã triển khai tích cực nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được xếp hạng trên địa bàn để phục vụ phát triển du lịch gồm: Khoanh vùng cắm mốc bảo vệ, xây dựng biển báo di tích, giao cho UBND xã thành lập ban quản lý đối với những nơi có di tích. Phối hợp với các đơn vị liên qua và có phương án khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, mua sắm của du khách. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, kiện toàn.

Để hướng dẫn người dân làm công tác du lịch, trên địa bàn huyện đã có 12 cán bộ văn hóa - xã hội thuộc 12/12 xã, thị trấn, cùng với lực lượng cán bộ tại Phòng Văn hóa và Thông tin làm công tác tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Cán bộ làm công tác du lịch của huyện và những người làm công tác du lịch tại các bản, các cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên được cử đi tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng để phát triển du lịch.

Đi đôi với việc phát triển du lịch, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đã và đang dần đi vào nề nếp; đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước; khoan giếng để sử dụng nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt; xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh...

Kết quả, các địa phương đã trồng được trên 2 km đường hoa, 2,5 km đường cây xanh, 3 km đường điện sáng, nhiều mô hình về BVMT được duy trì và ngày càng nhân rộng. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì kết quả khả quan. Uớc tính tổng lượng CTRSH phát sinh năm 2023 khoảng 6.329 tấn, khối lượng rác được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 4.997 tấn, phần chất thải rác sinh hoạt chưa thu 7 gom tập trung được UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tự thu gom, xử lý bằng các biện pháp đốt hoặc chôn lấp tại chỗ, đạt tỷ lệ thu gom xử lý là 78,9%, và tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp đạt 100%./.

Sông Lô