Vậy là, chúng tôi tìm thấy ở nhau những điểm tương đồng. Anh hơn tôi gần giáp, thuộc thế hệ đàn anh, đều là dân xứ Nghệ, thích chữ nghĩa. Điều kỳ lạ là trong câu chuyện trao đổi, kể cả trong chuyến đi dài ngày về xứ Nghệ, anh ân cần, chân thành và bình dân, chưa bao giờ thể hiện là “Trung tướng”, là sếp của đám đàn em còn thua kém anh nhiều mặt. Rồi tôi cũng được anh tặng cuốn sách của anh: “Thẳm sâu miền ký ức” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
Cuối năm, thời gian không nhiều nhưng tôi cũng dành cả ngày trời để đọc gần 300 trang viết của anh và lập tức bị cuốn hút bởi giọng văn giản dị, chân thành, thể hiện sinh động một giai đoạn lịch sử cận đại của dân tộc. Bằng cách kể chuyện mộc mạc, tự sự, người đọc hình dung một người lính Nguyễn Mạnh Đẩu có tính cách, hình hài của một người xứ Nghệ với những ước mơ, khát vọng cống hiến, không ngần ngại dấn thân vào chốn mưa bom bão đạn của cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Vượt lên trên những sự kiện của chiến tranh là tình yêu, tình bạn, tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ giữa con người với con người. Phần anh viết về cái nôi gia đình khiến người đọc liên tưởng đến một vùng quê nghèo điển hình của xứ Nghệ, trong đó, cụ ngoại, ông ngoại anh từng là ông đồ nho hay chữ, giữ vững cốt cách gia phong, dạy con cháu với những câu ngắn gọn, sâu sắc: “Phụ từ, tử hiếu” (Cha thì phải hiền từ. Con thì phải hiếu thảo); “Huynh lương đệ đễ” (Anh tốt em kính nhường”; “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì chớ làm với người khác)…
Ám ảnh hơn cả với người đọc là hình tượng của bố mẹ anh, những nông dân tần tảo ở vùng Nghi Lộc, Nghệ An nhưng không cam chịu đời sống thuần nông mà đã tham gia buôn bán từ rất sớm. Anh viết: “Năm 1945, cũng nghèo khó nhưng gia đình tôi qua được nạn đói là nhờ đi buôn. Năm đó cha mẹ tôi xấp xỉ 30 tuổi… suốt ngày hai vợ chồng đòn gánh đè vai, xuôi ngược Đông - Đoài, hết buôn thứ này xoay sang thứ khác…” ,“Những người thuần nông quanh năm vất vả một nắng hai sương bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Họ trực tiếp làm ra hạt gạo củ khoai nhưng khi gặp nạn đói, họ là những người thiếu đói đầu tiên và chết nhiều nhất”.
Cũng tại thời điểm nạn đói kinh hoàng, bố mẹ anh đã bỏ tiền “mua” con nuôi. Anh viết: “… một phiên chợ Sơn, sau khi đã bán hết hàng, cha mẹ tôi gặp nhiều nhà đem con đi bán - chủ yếu là con trai. Họ bán con để lấy tiền đong gạo, cứu cả nhà thoát chết đói. Cha mẹ tôi bàn với nhau, nhà mình mới có con gái… thôi thì bớt ăn, mua một đứa con trai về nuôi để chơi với con cho có đôi. Âu đó cũng là việc làm phúc ở đời.
Lượn qua một lượt, trông thấy một đứa trẻ trai độ 5 tuổi, mặt mày sáng sủa khôi ngô, nhưng đang lả đi, nhợt nhạt. Cha mẹ tôi thương quá bỏ tiền ra mua. Người bán là một đôi vợ chồng trẻ, ăn mặc rách rưới, mặt hiền lành chất phác, nghe giọng nói là người Đàng Ngoài. Thấy tội quá, hỏi bao nhiêu, trả bấy nhiêu, không mặc cả…
Cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” được tác giả chia làm chín phần. Mỗi trang viết đều đầy ắp những câu chuyện sinh động, ghi lại những chặng đường mà tác giả đã trải qua. Ba phần đầu anh dành những tình cảm ấm áp, sâu nặng cho quê hương, gia đình và thời thơ ấu. Năm phần tiếp theo anh kể chuyện về những hồi ức cá nhân từ ngày đầu trốn nhà nhập ngũ, hành quân vào miền Nam rồi qua các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vô cùng ác liệt. Ở phần thứ tám, tác giả dành nhiều trang xúc động kể lại lần bị thương nặng chết đi sống lại mấy lần trong một trận đánh ở chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1971.
Hành trình gian nan vô cùng đau đớn của anh khi phải nằm trên cáng thương của giao liên khiêng bộ qua nhiều chặng ra miền Bắc để chữa trị khiến người đọc đôi lúc phải nghẹn ngào rơi lệ. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong đời binh nghiệp của anh từ người lính trận mạc chuyển sang làm cán bộ chính sách ở Bộ Quốc phòng, một người uyên bác và thấu hiểu sâu sắc cuộc chiến.
Điều thú vị là tác giả đã tái hiện lại một cậu bé nhà quê thông minh, nghịch ngợm và đã vướng phải không ít sai lầm thời tuổi trẻ: Chuyện đi bắt cá trộm rồi tấn công lại bảo vệ ao, chuyện thi trượt lên cấp 3 và cả chuyện thi vào trường Trung cấp mỹ thuật công nghiệp đỗ cả ba vòng nhưng không có giấy báo… Những chuyện chỉ mỗi mình biết nay được anh kể lại một cách chân thành.
Nhưng rồi vì khát khao cống hiến để “khai man” cho đủ tuổi để nhập ngũ, xả thân trong các chiến trường, trong mọi hoàn cảnh để trở thành vị tướng với 2 bằng đại học và được giao giữ những trọng trách trong quân đội để rồi khi về hưu có cơ hội thăm viếng nhiều nơi trong và ngoài nước để ngẫm về thế sự một cách có chiều sâu.
Tôi bảo anh Đẩu: Những trang viết của bác đầy chất văn học, bác vào Hội Nhà văn chưa? Rằng chưa chú à. Tôi viết như một sự chia sẻ, qua đó bày tỏ lòng biết ơn với những người bạn thuở học trò, những đồng đội thời chiến chinh và hơn thế là những bạn trẻ đang loay hoay định hướng cho tương lai của mình. Nếu ai đó tìm được những điều gì hay ho thú vị là điều đáng mừng.
Câu chuyện của Tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã truyền cảm hứng cho tôi và sẽ có chỗ xứng đáng trong lòng bạn đọc. Một câu nói tưởng như vui đùa của anh là “Trung sỹ”, không phải là “Trung tướng”, bởi sự hồn nhiên trong cách tự sự, trải lòng với người đọc. Chợt nhớ hai câu thơ của đại văn hào Lỗ Tấn: “Ngước mắt coi khinh ngàn lực sĩ/Cúi đầu làm ngựa đứa hài nhi”.
Khi anh tự nhún mình làm “Trung sỹ” ấy là cách ứng xử của kẻ sỹ. Người Nhật chào nhau bằng cúi đầu và cả hai bên cúi chào nhau nhiều lần khi gặp hoặc tiễn biệt. Đó là sự trọng thị, là sự cao thượng trong văn hóa ứng xử. Nguyễn Mạnh Đẩu xứng đáng là kẻ sỹ xứ Nghệ, dẫu anh vẫn nói vui mình là “Trung sỹ “./.