Trong bối cảnh kỳ vọng vào xuất khẩu gạo từ Thái Lan, từng là đất nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, sẽ tiếp tục giảm dần trong năm nay, chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để lấy lại vị thế đó bằng cách giảm phụ phí xuất khẩu và cải thiện giống lúa.
Tại cuộc họp nội các vào tháng 4, chính phủ khẳng định kế hoạch giảm phụ phí mà thu từ các nhà xuất khẩu đối với gạo xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Anh giảm từ 2.500 baht (80,51 USD)/1 tấn xuống còn 1.200 đến 1.500 baht.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chính phủ đã quyết định hỗ trợ xuất khẩu gạo sau khi sản lượng giảm 25% vào năm 2020 xuống còn 5,7 triệu tấn so với năm trước đó. Khối lượng xuất khẩu năm đó là thấp nhất kể từ năm 1997, khi xã hội Thái Lan rơi vào tình trạng rối ren vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Do đó, Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba vào năm 2020, bị vượt qua bởi Việt Nam, với 6,16 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Khả năng cạnh tranh về giá suy yếu là một trong những nguyên nhân khiến Thái Lan bị tụt hạng. Xuất khẩu gạo của Thái Lan có giá 542 USD/tấn trong tháng 2, nhiều hơn so với Ấn Độ và Việt Nam, với giá lần lượt là 393 USD và 520 USD.
Sản lượng gạo ở Thái Lan giảm do hạn hán ảnh hưởng đến khu vực sản xuất gạo của nước này vào năm 2019 và 2020. Việc đồng baht tăng giá và phí vận chuyển hàng hóa đối với tàu chở container tăng mạnh đã giáng một đòn mạnh vào mảng xuất khẩu gạo.
Đồng baht vẫn giữ giá trị cao như một “đồng tiền an toàn” trong bối cảnh đại dịch COVID-19, làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của gạo Thái Lan. Ngoài ra, sự thiếu hụt tàu chở container trên toàn cầu đã đẩy mạnh chi phí vận tải cho hàng hóa xuất khẩu.
Các tình huống khó khăn dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đối với xuất khẩu gạo từ Thái Lan. Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), nói với một tờ báo địa phương rằng xuất khẩu năm 2021 được dự báo sẽ giảm so với năm trước, còn khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn.
Thái Lan từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng bị tụt lại sau Ấn Độ và Việt Nam vì chương trình do Thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra vào năm 2011 để lấy gạo của nông dân thế chấp và đổi lấy các khoản vay.
Chất lượng gạo Thái Lan đã giảm xuống do nông dân quá ham chính sách bảo hộ rộng rãi của chính phủ. Khi các nước láng giềng mới nổi bắt đầu sản xuất gạo chất lượng cao, Thái Lan đã tụt hậu trong cuộc cạnh tranh cải tiến giống và mất đi khả năng cạnh tranh xuất khẩu, rơi khỏi vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2012.
Chính phủ đang tăng tốc các nỗ lực trở lại của mình. Để thúc đẩy sự phát triển của các giống lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã cùng với TREA đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc thi về giống lúa mới để xuất khẩu.
Bộ Thương mại đã đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo vào năm 2021 thêm 5% so với năm trước, lên 6 triệu tấn, để mở đường cho Thái Lan lấy lại vị trí của mình, bằng cách thu hồi các chi phí của chính sách thất bại. Tuy nhiên, sự cạnh tranh với các nước đối thủ dự kiến sẽ ngày càng gay gắt hơn.