Tang ma xanh ở Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) dưới tác động của Phật giáo (phần I)

Giao lưu tiếp biến văn hoá là một quy luật tất yếu khách quan của sự phát triển và kết quả của giao lưu tiếp biến văn hoá là biến đổi văn hóa, được hiểu là một quá trình vận động văn hóa diễn ra trong tất cả các xã hội và là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của nhiều ngành khoa học xã hội.
base64-162365056329580920483-1658046725.png
Trụ sở UBND xã Yên Sở

Biến đổi văn hóa bao hàm những sự chia sẻ, những sự biến đổi tương đối lâu dài của những mô hình ứng xử và niềm tin văn hóa. Nhìn ở khía cạnh lịch sử, xã hội nào cũng biểu lộ những sự biến đổi, cũng trộn lẫn những sự tiếp nối và biến đổi.

Biến đổi văn hóa được đề cập đến từ khá sớm trong các công trình nghiên cứu của E.Taylor (Anh, 1891) hay L.Morgan (Mỹ, 1877) và sau đó là trong hàng loạt công trình nghiên cứu của các nhà nhân học trên thế giới suốt thế kỷ XX. Bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu càng làm cho việc nghiên cứu biến đổi văn hóa trở nên có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.

Ở Việt Nam, nghiên cứu biến đổi văn hóa những năm gần đây cũng đang là một khuynh hướng hấp dẫn được nhiều nhà khoa học quan tâm. Biến đổi văn hóa được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau, thể hiện trên sự tác động trực tiếp từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội đến đời sống văn hóa con người. Tuy nhiên, với nước ta, bên cạnh 3 yếu tố trên thì tôn giáo là một yếu tố không thể bỏ qua khi nghiên cứu khuynh hướng này.

Bởi lẽ, trong các luận điểm về biến đổi văn hóa trong thời kỳ hiện đại hóa (HĐH), các nhà kinh điển như Auguste Comte, Herbert Spencer, Emile Durkheim, Max Weber và Karl Marx… đã chỉ ra rằng: tôn giáo - tín ngưỡng là một vấn đề trọng tâm của biến đổi văn hoá. Với trường hợp nước ta, nó vừa là đối tượng bị biến đổi, vừa là đối tượng tác động để tạo ra biến đổi.

Là một phần quan trọng trong cấu trúc văn hóa Việt, tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống cư dân thông qua tư tưởng và được chứng minh qua các phong tục tập quán. Trước những biển đổi của nền kinh tế thị trường, những bất ổn về xã hội, người dân ngày càng tìm nhiều đến tôn giáo như một sự nương tựa tinh thần.

Điều này thúc đẩy mạnh mẽ sự vận dụng giáo lý, quan điểm tôn giáo vào đời sống thường nhật của con người. Do vậy, sự xuất hiện một phong tục mới hay sự cải biên lại một số phong tục cũ trên cơ sở quan niệm tôn giáo sẽ tạo nên những biến đổi văn hóa.

Phật giáo là một tôn giáo lớn với số lượng tín đồ đông đảo, cùng với những cơ duyên của mình, đến nay đã khẳng định được vị trí quan trọng trong văn hóa nước ta, tạo ra biến đổi trong không ít các phong tục của người Việt. Với dung lượng có hạn, bài viết này chỉ tập trung vào những biến đổi cụ thể trong tang thức của người Việt dưới tác động của Phật giáo tại Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội.

Yên Sở là một trong hai làng có tên Nôm “Kẻ Giá” nằm ven sông Đáy là Giá Thượng hay Giá Trên (Yên Sở) và Giá Hạ hay Giá Dưới (Đắc Sở). Yên Sở và Đắc Sở trước là một khối thống nhất mang tên xã Cổ Sở, về sau mới tách ra thành 2 xã. Làng Yên Sở thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là một chỉnh thể “nhất xã, nhất thôn” suốt từ thời phong kiến đến nay.

20180628-165626-1658046888.jpg
Nâng cao tỷ lệ hỏa táng Yên Sở đang từng bước giải phóng đất canh tác

Dân số hơn một vạn dân nhưng đều là anh em, bà con “phi nội tắc ngoại”, thương yêu đùm bọc, cùng phụng thờ tiên tổ và hướng tâm vào cửa Phật. Chính bởi cả làng chỉ theo đạo Phật nên hoạt động tôn giáo ở Yên Sở diễn ra khá sôi nổi, có phần đặc sắc. Làng Giá trước đây có 5 ngôi chùa nhưng hiện chỉ còn 3, trong đó Ngọc Tân và Pháp Vũ là hai ngôi chùa có hoạt động tôn giáo.

Từ năm 1994 trở lại đây, sinh hoạt tôn giáo của làng diễn ra mạnh mẽ ở cả hai ngôi chùa. Bởi vậy, bên cạnh những điểm chung trong thực hành tang lễ với sự tham gia của nhà chùa mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều địa phương khác như: nhà sư xem giờ đẹp, ngày đẹp để gia đình tiến hành khâm liệm, phát tang, hạ huyệt; mời tăng ni, đạo tràng đến tụng kinh cầu siêu cho người mất; nhờ các vãi đi hộ phúc khi đưa tang hay sau 49 ngày mang gửi cỗ hậu lên chùa thì phong tục tang ma ở đây còn có những biến đổi khá độc đáo dưới tác động trực tiếp của đạo Phật, cụ thể có mấy điểm nổi bật chúng tôi sẽ đề cập trong các phần tiếp theo./.

         

Lâm Thị Thanh Xuân