Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 20/11 cho thấy trong tháng 10/2021, lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Saudi Arabia đạt 7,1 triệu tấn, tương đương 1,67 triệu thùng/ngày, cao hơn 19,5% so với mức 1,4 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm 2020 và so với mức 1,94 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Nga, bao gồm cả nguồn cung từ các đường ống, cũng tăng 1,3% so với một năm trước đó, lên 6,6 triệu tấn vào tháng 10/2021, tương đương 1,56 triệu thùng/ngày, so với con số 1,49 triệu thùng/ngày của tháng 9/2021. Nguồn cung dầu từ Nga tăng trưởng, trong đó chủ yếu là hỗn hợp dầu ESPO hàng đầu của “xứ Bạch Dương”, sau khi Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu mới vào tháng Tám và tháng Mười, cho phép các nhà máy độc lập tăng mua một trong những loại dầu ưa thích của họ.
Tuy nhiên, tổng nhập khẩu dầu thô trong tháng 10/2021 của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, giữa bối cảnh nước này giới hạn hoạt động nhập khẩu của các nhà máy lọc dầu độc lập. Nguồn cung từ Brazil (Bra-xin) giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nguồn cung từ Mỹ cũng hạ 91,8%.
Đặc biệt, hãng tin Reuters đưa tin lượng dầu nhập khẩu trung bình từ Iran sang Trung Quốc đã được duy trì ở mức trên 500.000 thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 8-10/2021, giữa bối cảnh người mua tin rằng những lợi ích từ việc mua dầu thô với giá rẻ sẽ lớn hơn rủi ro từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hầu hết các thùng dầu này được chuyển sang Trung Quốc dưới dạng xuất khẩu từ Oman (Ô-man), Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Malaysia (Ma-lai-xi-a), gây ảnh hưởng đến nguồn cung cạnh tranh từ Brazil và Tây Phi. Dữ liệu chính thức liên tục cho thấy Trung Quốc đã không nhập khẩu dầu từ Iran hoặc Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la) kể từ đầu năm 2021, khi các công ty dầu khí quốc gia lo lắng về các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.