Sau kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp dồn dập đơn hàng, xuất khẩu tăng vọt bất ngờ

Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, các doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất. Từ những ngày đầu năm các đơn hàng đã tới tấp khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ. Tháng đầu năm 2024 xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao kỷ lục so với cùng kỳ 2 năm trước.
xuat-khau-hang-hoa-04-1708057312.jpg
Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hoạt động xuất nhập khẩu đã diễn ra sôi động. (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp kiếm bộn đơn hàng xuất khẩu dịp Tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM trở lại sản xuất, có đơn hàng xuất khẩu ngay từ những ngày đầu năm mới và đang tăng tốc để kịp tiến độ giao hàng.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lộc Trời, thông tin, ngay trong những ngày đầu năm, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Theo đó, 3.600 nhân sự hệ sinh thái sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực để đảm bảo các đơn hàng đã ký trước Tết. “Đúng ngày 15/2, đồng loạt nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo/năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẵn sàng cho sản xuất” - ông Thòn cho biết.

Trước đó, trong đêm giao thừa 9/2 (30 Tết), tại Tân cảng Cát Lái (TPHCM), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, lô hàng xuất khẩu được xếp trên tàu Uni Perfect của hãng tàu Ever Green tải trọng 19.308 tấn, sức chở gần 1.618 TEU. Lô hàng trên là sản phẩm linh kiện điện tử - mặt hàng chủ lực góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của TPHCM năm vừa qua đạt hơn 42 tỷ USD.

xuat-khau-hang-hoa-02-1708057400.jpg
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng gần gấp đôi trong tháng đầu tiên của năm 2024. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, báo tin, trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (mồng 6 Tết) đã khẩn trương đưa hàng ra cảng Cát Lái thẳng tiến đến thị trường Úc. Hai container loại 40 feet, mỗi container chứa khoảng 18 tấn cà phê nông sản các loại như cà phê nhàu, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê muối… sẽ cập bến tại Úc khoảng 18 ngày sau đó. Meet More cũng đang khẩn trương làm 1 container đi vào thị trường Mỹ ngay trong tháng Giêng. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc đã mở thư tín dụng thanh toán tiền và đang đốc thúc giao hàng.

“Đây là những đơn hàng chúng tôi đã ký kết được cuối năm 2023 và đầu năm 2024, sau đó xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nay, công nhân đã trở lại nhà xưởng, bắt tay vào hoàn thành đơn hàng để kịp tiến độ giao hàng. Năm nay Meet More sẽ tập trung khai thác thị trường Trung Quốc. Những tín hiệu tích cực đầu năm mới là động lực để công ty có thêm tinh thần, quyết tâm cho một năm kinh doanh nhiều thắng lợi” - ông Luận chia sẻ.

Việt Nam xuất khẩu cao nhất gần 2 năm

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỉ USD, tăng gần 38% cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tăng 42%, khoảng 33,6 tỉ USD. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ tháng 4.2022 (33,26 tỉ USD).

Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong tháng đầu năm nay ước đạt gần 6 tỉ USD. Mức này tăng hơn 56% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1.

Nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cả nước nhờ lợi thế về giá. Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giá cà phê bình quân đạt 2.955USD một tấn, tăng hơn 35%; gạo 693USD một tấn, đắt hơn 33,5% cùng kỳ...

Mỹ vẫn là thị trường nhập hàng lớn nhất của Việt Nam, với 9,6 tỉ USD, tăng gần 56% cùng kỳ. Các thị trường xuất hàng truyền thống như Trung Quốc, EU, hay ASEAN lần lượt tăng 58%, 18% và 38%.

Việt Nam nhập khẩu hơn 30,6 tỉ USD, trong đó gần 95% là nhóm hàng tư liệu sản xuất cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam, gần 11 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuat-khau-hang-hoa-03-1708057448.jpg
Điện thoại và linh kiện điện tử có giá trị xuất khẩu lớn nhất. (Ảnh minh họa).

Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2024, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.

Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục.

"Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu" - bà Trang nói.

Công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu vụt lên bất ngờ

Báo cáo của Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra.

Cụ thể, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai… Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP thấp nhất là: Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La…

xuat-khau-hang-hoa-01-1708057524.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, với khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh; Hải Phòng; Đà Nẵng; Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Hà Nội; Bình Định…

Thương mại tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng đáng kể trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.

Ngoài ra, công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đến nay đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch (đạt 99,1%); nổi bật là Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023, các quy hoạch ngành quốc gia và 50 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho biết, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi, doanh thu dịch vụ tăng khá do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, xây dựng các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến nay, các hệ thống phân phối duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân./.

Bình Trọng