Làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Agritrade (thuộc Bộ NNT&PTNT), cho biết: Hiện nay, cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động. Trong đó, số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề của Chính phủ là trên 2.000, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, có nhiều làng nghề tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như làng nghề: lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…
Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức: Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024.
Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 03-06/10, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1000m2 diện tích đất trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, BTC đã nhận được sự đăng ký tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước và phủ kín quy mô theo kế hoạch của BTC.
Trong đó có 31 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Đồng Nai, Đắk Nông, Tây Ninh, Tiền Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Lào Cai, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.
Khác với các năm trước, Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Không gian trưng bày tôn vinh sản phẩm của các làng nghề truyền thống; Tôn vinh sản phẩm đạt giải tại Hội thi Thủ công mỹ nghệ của TP.Hà Nội; Khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) tiêu biểu do 08 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng TCMN của Việt Nam tham gia thao diễn trực tiếp tại Hội chợ;
Diễn đàn “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” với sự tham dự của các chuyên gia về thương mại điện tử, các KOL, KOC nổi tiếng trên nền tảng TikTok; đặc biệt, trong khuôn khổ HC Làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP sẽ được livestream bán trực tiếp trên TikTok tại kênh “Chợ phiên OCOP” trong khung giờ 10h00 - 13h00 ngày 04/10/2024./.