Những quyết sách mở đường
Từ ngày 10/5/2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1338/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã quy định danh mục các dự án phải đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường khi triển khai thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết: Trong quá trình triển khai thu hút đầu tư, Thành phố thường xuyên trao đổi, thảo luận và đề nghị những nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI đồng hành cùng thành phố thực hiện chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh; tiết kiệm, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần giảm cường độ phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cùng đó, Hải Phòng rất quan tâm và tạo điều kiện phát triển ngành năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện rác, điện gió ven bờ và ngoài khơi nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 03 dự án điện tái tạo được xây dựng, bao gồm:
Dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020 bằng nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng, trong đó nguồn điện mặt trời 504kWp, điện gió 1MW do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư cấp điện cho 168 hộ dân, các đơn vị hành chính và lực lượng an ninh quốc phòng trên đảo;
Dự án điện mặt trời áp mái công suất khoảng 2,18 MWp do Công ty TNHH Năng lượng xanh Deep C (Việt Nam) làm chủ đầu tư;
Dự án khai thác năng lượng gió của Deep C & Unison công suất 2,3MW do Công ty TNHH Năng lượng xanh DEEP C (Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án đang chạy thử nghiệm chưa đưa vào khai thác. Thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, hiện đã có 09 đơn vị/liên danh đề xuất nghiên cứu tiềm năng và phát triển dự án điện gió trên vùng biển Hải Phòng.
Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ, đông viên, khuyến khích cộng động doanh nghiệp, người dân ứng dựng công nghệ thông minh - smart vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm tiết kiệm tiêu dùng năng lượng, giảm chi phí giao thông, giảm hiệu ứng khí nhà kính.
Hình thành trụ cột chuyển đổi xanh
Những lĩnh vực đang được ưu tiên nhằm tạo đột phá tăng trưởng xanh của TP Hải Phòng Khu Kinh tế - Khu Công nghiệp; Cảng biển và Logistics; Công nghiệp công nghệ cao; Thương mại - Du lịch.
Đối với KKT, KCN, Hải Phòng xác định phát triển KCN sinh thái là tất yếu và quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế. Thành phố đã triển khai thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái tại KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều giá trị thiết thực như tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Khu công nghiệp Deep C là KCN đầu tiên tại Hải Phòng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) lựa chọn thí điểm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện tại sang khu công nghiệp sinh thái. Đến nay, tại khu công nghiệp đã triển khai Dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng, dự án điện gió đã chạy thử, có kế hoạch thay thế xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã dành hơn 31% diện tích để trồng cây xanh và Khu công nghiệp này đang được các chuyên gia đánh giá là khu công nghiệp đạt được nhiều tiêu chí nhất của một khu công nghiệp sinh thái.
Ông Nguyễn Ngọc Tú cũng cho biết: Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững và hiệu quả; khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng theo định hướng là khu kinh tế xanh, trở thành hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Trong lĩnh vực cảng biển và Logistics: Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các quy trình vận hành và quản trị các hoạt động của cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng nhằm hạn chế phát thải.
Thành phố đã tích cực đặt hàng các đề tài nghiên cứu liên quan đến quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, phòng chống suy thoái hệ sinh thái khu vực đảo, ven bờ biển, bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù, cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển các ngành kinh tế biển của thành phố.
Hiện nay thành phố Hải Phòng đang triển khai xây dựng 03 trung tâm logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển: Trung tâm logistics thuộc khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C 3); Trung tâm Logistics Hải Phòng - Nam Đình Vũ 1; Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 (Deep C 2B).
Trong lĩnh vực Thương mại - Du lịch, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại. Chỉ số thương mại điện tử của Hải Phòng luôn duy trì ở mức cao hơn trung bình toàn quốc và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2023, chỉ số thương mại điện tử của Hải Phòng đạt 28,6 điểm, đứng thứ 4 cả nước.
Thành phố chú trọng các giải pháp thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh có chất lượng cao gắn với Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài có thương hiệu, coi đây là hạt nhân đầu tư phát triển và nâng tầm giá trị thương hiệu du lịch biển, đảo; là một giải pháp động lực hỗ trợ quảng bá, nâng tầm giá trị thương hiệu du lịch biển đảo Cát Bà ra thị trường quốc tế, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch biển, đảo của cả nước và vươn tầm quốc tế.
Hải Phòng vận dụng quy định ưu tiên cao nhất trong các quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh tại thời điểm triển khai dự án. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng thay thế; tiết kiệm năng lượng và nước; triển khai công nghệ “3R” trong hoạt động phát triển du lịch.
Để tiếp tục tạo lợi thế cho Hải Phòng trong tăng trưởng xanh, trong thời gian tới, Hải Phòng tập trung hoàn thành thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững. Đồng thời, ap dụng tiêu chuẩn của các nước phát triển về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên,... đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Cách chính sách về phát triển nhân lực, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp... nhằm hoàn thiện hệ sinh thái xanh cho các nhà đầu tư khi đến với Hải Phòng./.