Đến hết ngày 30/9, tỉnh Quảng Trị tiếp nhận 1.673 hồ sơ đăng ký thành lập mới 379 doanh nghiệp và 136 đơn vị trực thuộc, với tổng vốn đăng ký là hơn 3.368 tỷ đồng, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt hơn 8,8 tỷ đồng.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến cùng thời điểm là 3.403 doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi 496 hồ sơ (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2022). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 270 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 119 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 71 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thông báo sẽ giải thể 98 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động vì bị cảnh báo, vi phạm, thu hồi giấy Chứng nhận, giấy phép hoạt động là 197 đơn vị. Số hồ sơ nộp qua mạng là 831 hồ sơ với tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 100%.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thu hút 40 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 3.152,0 tỷ đồng. Trong đó, số dự được thu hút bên ngoài các Khu công nghiệp, Khu kinh tế là 37 với số vốn đạt 1.856,4 tỷ đồng. Tổng số dự án thu hút tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút là 3 với số vốn đăng ký đạt 1.295,6 tỷ đồng.
Trong đó, nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư và Phát triển QV Solar có tổng vốn đầu tư 968,96 tỷ đồng, dự án Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty Công ty Cổ phần Thành Sen QT có tổng vốn đầu tư 204,66 tỷ đồng và dự án Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty Công ty Cổ phần Thành Sen HT với tổng vốn đầu tư 204,65 tỷ đồng…
Tại buổi “Gặp mặt doanh nghiệp”, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Số lượng doanh nghiệp còn ít, khả năng chống chịu và năng lực cạnh tranh chưa cao, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, cơ cấu ngành nghề chưa đa dạng, còn ít doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu vẫn là khâu yếu, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường còn hạn chế, chưa có chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh bền vững và lâu dài, tính chủ động trong việc hội nhập chưa cao nên chưa vươn lên xứng tầm.
Năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như giá nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục tăng cao đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị chậm được triển khai làm chậm đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 tăng 6,29% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; hoạt động du lịch từng bước khởi sắc; Nhiệm vụ quy hoạch được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là việc lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay Hội đồng thẩm định đã thông qua, tư vấn đang hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh tích cực vận động, kêu gọi thu hút các dự án đầu tư. Chú trọng triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là lĩnh vực giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực phấn đấu và quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh để đưa Quảng Trị vượt qua khó khăn, tạo ra được những xung lực mới, những bước đột phá mới nhằm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp của tỉnh Quảng Trị cần phát huy tốt hơn nữa vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện cho các hội viên hoạt động, là đại diện cho tiếng nói, cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, doanh nhân và chính quyền. Tích cực đề xuất các cơ chế, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của Doanh nghiệp.