Quảng Nam khó giải ngân hết vốn đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm

Các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có nguy cơ không giải ngân hết kế hoạch vốn khi thời hạn kết thúc, dừng dự án vào ngày 31/12/2024. Vấn đề này được bàn luận khá nhiều tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh vừa qua.

Chạy đua thi công về đích

Biển An Bàng trông như một đại công trình. Những chiếc sà lan chở 10 nghìn mét khối đá từ Quảng Ngãi về neo đậu bên một sà lan cố định khác trên biển cách bờ 250m, đổ đá dựng kè. Hàng nghìn khối haro (như khối bê tông dùng cho kè biển) lần lượt rời cảng cạn phía nam cầu Cửa Đại về công trường thi công.

Dãy kè chắn sóng thuộc Dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” đã dần lộ diện dưới mặt nước biển. Hàng chục chiếc sà lan khác đang bơm cát đổ vào bờ biển tạo bãi.

1-1721388117.jpg
Dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” gần về đích

Ông Đỗ Tô Văn - Chỉ huy trưởng công trình nói, nhà thầu Đạt Phương đã thi công đồng loạt đê ngầm, hút cát. Khởi công từ tháng 11/2023, đến nay, dự án đã thi công đạt khoảng 55% khối lượng. Bằng mọi giá, nhà thầu sẽ hoàn thành công trình trước 31/8/2024.

Không chỉ kè biển, các dự án thủy lợi, kè khác trên đất liền cũng đang về đích. Theo Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam, 3/4 hồ thuộc dự án sữa chữa, nâng cấp hồ đập đã hoàn thành.

Hồ Đập Quang, Đá Chồng sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng ngay trong tháng 7/2024. Hồ 3/2 bàn giao, đưa vào sử dụng các hạng mục thuộc hợp đồng đã ký kết trong tháng 7/2024.

2-1721388117.jpg
Kè biển đã lộ diện.

Một số hạng mục điều chỉnh, bổ sung của hồ 3/2 sẽ thi công vào giữa tháng 8/2024, bàn giao, đưa vào sử dụng trước 31/12/2024. Hồ Nước Rin đã hoàn thành các hạng mục đầu mối. Chậm nhất, đến tháng 9/2024, sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng hồ này.

Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh cho biết: “Tỷ lệ giải ngân của 4 hồ đã đạt 86,5% (47,6/55 tỷ đồng), kè biển đạt 63,1% (132,6/210 tỷ đồng). Dự kiến, cả hai dự án này sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024”.

z5649145040754-ec9c12165916845bd8d6d2341d0e0fa3-1721388590.jpg
Các hồ chứa nước đã hoàn thành đúng tiến độ đầu tư.

Kè bảo vệ khu dân cư Bằng La (Trà Leng, Nam Trà My) khối lượng xây lắp cũng đạt hơn 94%. UBND huyện Nam Trà My cho biết đang triển khai các bước điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, tiến hành thi công ngay trong tháng 7/2024 và sẽ hoàn thành, nghiệm thu, sử dụng công trình vào tháng 10/2024. Tỷ lệ giải ngân dự án đã đạt 77% (46,2/60 tỷ đồng); sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn trước 31/12/2024.

Khó khăn nhất là các dự án y tế, nhưng tiến độ đầu tư cũng có chút khả quan. Dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện” đã có TTYT Đại Lộc hoàn thành.

TTYT Nam Giang, Núi Thành thi công khoảng 90% giá trị hợp đồng; TTYT Tiên Phước đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng. Cả 3 TTYT này sẽ hoàn thành ngay trong tháng 7/2024.

TTYT Quế Sơn đang thi công, nhưng cũng sẽ hoàn thành theo hợp đồng trong tháng 10/2024. Gói thầu mua sắm thiết bị y tế (khoảng 7,65 tỷ đồng) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Dự kiến hoàn thành mua sắm thiết bị y tế, lắp đặt và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2024. Tỷ lệ giải ngân của dự án đạt 47% (43,4/92 tỷ đồng).

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết tiến độ, chất lượng các công trình đảm bảo thời gian, hồ sơ thiết kế được duyệt. Các TTYT sẽ kịp hoàn thành và giải ngân đúng hạn.

Khó giải ngân hết vốn

Thống kê của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 của 2 dự án y tế, với tổng số tiền là 261,9 tỷ đồng, nhưng đến ngày 7/5/2024 mới chỉ giải ngân hơn 21,7 tỷ đồng, đạt 8,32%.

Trước tình trạng giải ngân ì ạch, đối diện với hàng loạt “rắc rối” từ mặt bằng, hồ sơ, thủ tục, thẩm định giá... của các dự án này, UBND tỉnh đã ấn định cho chủ đầu tư phải đảm bảo việc giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết nguồn vốn này.

da-1721388342.jpg
TTYT Tiên Phước dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2024.

Chủ đầu tư đã xây dựng bản đồ công việc, kế hoạch thời gian cụ thể cho việc thực hiện 2 dự án nêu trên và cam kết bằng mọi giá sẽ hoàn thành dự án, giải ngân tối đa vốn trước thời hạn kết thúc dự án khi đã được phép kéo dài thời hạn thi công và giải ngân thêm một năm nữa.

Tuy nhiên, trước những gì diễn ra trên thực tế, cam kết giải ngân dường như “bất khả thi”. Có thể 4 dự án đầu tư TTYT tuyến huyện và 15 dự án trạm y tế đang thi công sẽ không vấn đề gì khi các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành. Nhưng, thời gian chỉ còn hơn 6 tháng nữa, trong khi đó, TTYT huyện Quế Sơn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

z5649145039835-a5f46a07cbeb377545d3a2a4a660f544-1721388646.jpg
Trạm y tế Duy Phước (Duy Xuyên) đang tiến hành nâng cấp, cải thiện.

Dự án 76 trạm y tế còn đến 28 công trình đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 10 dự án khác dự kiến sẽ chỉ hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế xây dựng vào tháng 6/2024.

Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế hiện vẫn đang gặp khó khăn do việc khảo sát, thu thập báo giá của các nhà cung cấp rất khó. Chủ đầu tư, cơ quan y tế vẫn loay hoay xem xét, xác định cấu hình thiết bị của 76 trạm y tế.

Những thông số, dữ liệu và các phân tích chỉ ra, dù lạc quan đến mấy cũng dễ thấy không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đã phân bổ cho 2 dự án này. Sẽ có khá nhiều vốn của dự án buộc phải chuyển trả về ngân sách trung ương.

Theo ông Trần Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Thẩm định dự án Sở KH&ĐT, gói thiết bị y tế rất dễ giải ngân. Chỉ cần đấu thầu được là sẽ giải ngân được ngay, nhưng tới giờ vẫn chưa có kết quả đấu thầu thì làm sao giải ngân? TTYT huyện Quế Sơn chưa trình hồ sơ điều chỉnh, bổ sung.

Còn các trạm y tế, tính trong điều kiện tối ưu nhất, không khiếu nại, khiếu kiện trong đấu thầu, thời tiết không biến động... thì dự án dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2024. Nếu nỗ lực hết sức thì may ra sẽ giải ngân được phần nào, chắc chắn không thể giải ngân hết kế hoạch vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói chủ đầu tư phải trả lời cho được câu hỏi bao giờ xong. Cần phối hợp với địa phương, chi tiết kế hoạch thực hiện để gỡ rối cho dự án. Không bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư, nhà thầu cũng đành chịu, không còn cách nào có thể tiến hành dự án được.

"Chủ đầu tư, địa phương phải tăng tốc vì chỉ còn rất ít thời gian để thực hiện dự án. Mùa mưa đến thì không làm gì được. Không thực hiện được, không có khối lượng thì làm sao giải ngân? Không giải ngân, chuyển vốn, ai chịu trách nhiệm? - Phó chủ tịch Trần Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Nguyễn Thuyết