Quảng Bình: Kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ

DN&KTX - Ngay sau diễn biến thời tiết mưa to đến rất to từ ngày 31/3 đến 2/4 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng các Sở, nghành tiến hành kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại.

Ngày 28/03, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có công văn 167/VPTT, UBND tỉnh Quảng Bình và các Sở, ngành đã kịp thời triển khai phối hợp cùng các địa phương lên phương án “4 tại chỗ” để ứng phó với những diễn biến phức tạp để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

1-1649204704.jpg
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị địa phương kiểm tra thiệt hại và khắc phục hậu quả. Ảnh Ngọc Mai

Địa phương rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực thường hay bị ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa, lũ. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.

Tại tỉnh Quảng Bình, lượng mưa vừa qua có mức từ 109mm đến gần 200mm, đợt mưa lớn từ ngày 31/3 đến 2/4/2022 đã gây ngập úng 6.122 ha lúa, gần 543 ha hoa màu các loại, trên 900 ha lúa-cá, tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính gần 131 tỷ đồng. Trong đó, Lệ Thủy là địa phương thiệt hại lớn với gần 3.700 ha lúa bị ngập, tiếp đến là Quảng Ninh với trên 1.200 ha.

Trong quá trình đi kiểm tra, khắc phục hậu quả, ông Vũ Đại Thắng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị địa phương rà soát, thống kê hiện trạng, phối hợp nâng cấp, sửa chữa, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nâng cao hiệu quả sản xuất, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ trong thời gian tới.

Thanh Bình