Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 1-3%/năm.
Đến ngày 31/8, tổng nguồn vốn huy động đạt 61.155 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, trong đó, tiền gửi dân cư đạt 46.557 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ đạt 81.218 tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ các năm.
Quảng Bình hiện có hơn 8.500 doanh nghiệp, trong đó gần 2.000 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 30.037 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ.
Hết tháng 8 năm 2023, tổng nợ xấu trên địa bàn là 1.472 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ, tăng 26% so với đầu năm, trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp 731 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ xấu, chiếm 0,9% tổng dư nợ. Từ đầu năm đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phải sử dụng gần 2.000 tỷ đồng từ quỹ dự phòng để xử lý rủi ro một số khoản vay của doanh nghiệp.
NHNN Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, như giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đẩy mạnh kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Tại hội nghị, các hiệp hội, DN đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối, tiếp cận nguồn vốn vay cho DN trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiến nghị một số giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, như đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, áp dụng phương án cho vay tín chấp để tiếp tục sản xuất...