Phù Cừ (Hưng Yên): Nông dân chăm sóc vải thời kỳ ra hoa, đậu quả

Thời điểm này, cây vải trồng ở các địa phương trên địa bàn huyện Phù Cừ đang trong giai đoạn nở hoa, chuẩn bị đậu quả. Để có được vụ vải năng suất, chất lượng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân đang tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp để chăm sóc cây.
p-1677761044.jpg
Nông dân xã Tam Đa (Phù Cừ) phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh cho cây vải

 Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh với 963ha, trong đó cho thu hoạch là 810ha, tập trung ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Phan Sào Nam, Tiên Tiến, Tống Trân… Theo ngành Nông nghiệp và PTNT huyện, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây vải sinh trưởng và phát triển; người trồng vải trong huyện ngày càng quan tâm, chú trọng đến khâu chăm sóc cây thời kỳ sau thu hoạch, chăm sóc cây thời kỳ ra hoa và đậu quả non nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Xã Tam Đa hiện có diện tích trồng vải đạt 226ha tập trung chủ yếu ở thôn Tam Đa. Người dân địa phương với kinh nghiệm lâu năm, biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cùng với đó, thời tiết thuận lợi nên năm nay, diện tích cây vải ra hoa của xã đạt tỷ lệ gần 100%. Anh Nguyễn Tiến Thiều, Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Lợi, xã Tam Đa cho biết: “Nếu từ nay đến cuối vụ thời tiết thuận lợi, các hộ trồng vải ở xã Tam Đa sẽ được mùa hơn so với năm trước, chất lượng quả ngày càng được nâng cao do nông dân đã có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Từ khi cây đậu quả đến khi thu hoạch chỉ hơn 2 tháng, do vậy, ngay từ bây giờ chúng tôi đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên hệ với những đầu mối, thương lái, bạn hàng, cùng với đó đẩy mạnh quảng bá thương hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ để xúc tiến tiêu thụ…”.

Ông Bùi Văn Tràn, chủ vườn vải lai chín sớm có diện tích 1,5 mẫu đã được chứng nhận VietGAP ở thôn Tam Đa cho biết: Với hơn 10 năm trồng và chăm sóc cây vải lai chín sớm, theo tôi, muốn cho cây xanh tốt, luôn được mùa thì người trồng phải biết kết hợp kinh nghiệm với việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật. Trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả cần phải thường xuyên giữ ẩm cho đất, nếu để cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều, nhưng nếu tưới quá nhiều nước, độ ẩm cao cũng sẽ làm cho hoa và quả non rụng nhiều. Cùng với đó, tôi rắc vôi bột dưới gốc cây để tiêu độc, khử trùng, hạn chế sâu, bệnh trong đất; thường xuyên kiểm tra vườn và chủ động phun phòng trừ các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại cho cây.

Những năm gần đây, xã Phan Sào Nam được nhiều người biết đến với đặc sản vải trứng Hưng Yên. Mặc dù là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác, nhưng theo người dân, vải trứng là loại cây đòi hỏi chăm sóc kỳ công. Thông thường, cây cho thu hoạch cách năm, tức là 1 năm được mùa sẽ xen 1 năm mất mùa. Khoảng 3 năm nay, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, trồng theo quy trình VietGAP, nhiều hộ trồng vải trứng trong xã đã khắc phục được hạn chế này để cây ra hoa đều hằng năm.

Đồng chí Vũ Đình Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: Toàn xã hiện có 156ha trồng vải trứng Hưng Yên, trong đó, có 70ha đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích cây mới trồng. Để có vụ vải năng suất, chất lượng cao, chúng tôi phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây theo từng giai đoạn cho nông dân; theo dõi tình hình thời tiết, sâu, bệnh, thường xuyên để tuyên truyền cho nông dân về cách chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây trên hệ thống loa truyền thanh của xã…

Chị Nguyễn Thị Thoảng ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi, cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây như: Bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu, bệnh; xử lý cho cây ra hoa nên 100% diện tích vải trứng Hưng Yên của gia đình tôi trổ hoa. Đặc điểm của giống vải này là khó đậu quả, vì vậy khi hoa cái trên cây bắt đầu nở, tôi tiến hành các biện pháp kích thích cây đậu quả; sau đó phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh để chống rụng quả non, chống sâu đục cuống…

Ngay từ đầu năm nay, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng khâu chăm sóc cây vải giai đoạn ra hoa, đậu quả bởi đây là thời kỳ quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng quả. Giai đoạn này cây thường bị các đối tượng như: Bọ xít, rệp muội, sâu đo, bệnh sương mai, thán thư, nhện lông nhung gây hại...

Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu vải lai chín sớm, huyện Phù Cừ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký sản phẩm OCOP. Năm nay, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải được huyện đặc biệt quan tâm. Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Mặc dù từ nay đến vụ thu hoạch vải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, kỹ thuật thâm canh, giá bán, thị trường tiêu thụ khi thu hoạch… nhưng đầu vụ vải ra hoa sai đã tạo tâm lý phấn khởi đối với người sản xuất. Cùng với việc hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất, huyện chủ động thực hiện các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, như tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân..../.

Lý Lan