Trên đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, diễn ra chiều 07/6, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi đối với nguồn điện sinh khối, nguồn điện từ rác, điện mặt trời mái nhà; mở rộng đối tượng khách hàng là các khách hàng dịch vụ, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; bổ sung quy định trường hợp về việc đơn vị bán lẻ điện tại Khu công nghiệp được khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty điện lực, ký hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: các cơ quan tổ chức có quan điểm trái ngược nhau về ngưỡng sử dụng điện của Khách hàng sử dụng điện lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng Công ty điện lực (PCs) đề nghị là 1 triệu kwh/tháng trở lên, tránh tác động lớn đến doanh thu của các đơn vị và phù hợp với điều 3 thông tư 39 của Bộ Công thương quy định về Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối.
Trong khi đó, các tổ chức, công ty sử dụng điện sạch đề xuất ngưỡng dưới 500.000 kwh/tháng (khoảng 200.000 kwh/tháng). Cân đối nhu cầu của khách hàng sử dụng điện sạch và tác động tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng Công ty điện lực, Bộ Công thương đề xuất quy định: Khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện từ 500.000 kwh/tháng trở lên.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: "Bộ Công thương có định hướng xác định khoanh vùng đối với khách hàng lớn. Khách hàng lớn có tiêu chí khoanh vùng mà trong đó đặc biệt là tiêu chí liên quan đến ngưỡng tiêu thụ, tức là 500.000kwh/tháng là khách hàng lớn. Thứ 2 là liên quan đến các chủ thể khác như khu công nghiệp. Với Khu công nghiệp lúc đó họ coi là khách hàng lớn khi họ đại diện cho các khách hàng trong khu công nghiệp".
Một số ý kiến cho rằng: Tại dự thảo Nghị định chưa đề cập đến việc giao công suất điện năng hàng ngày, hàng giờ khi không có điều kiện ánh sáng, điều kiện gió. Trong khi việc đầu tư nhà máy sản xuất điện gió và điện mặt trời tốn kém. Do đó, cần quy định “mặc dù các đơn vị đầu tư sản xuất điện gió và điện mặt trời, tuy nhiên khi không đảm bảo điều kiện gió và điều kiện mặt trời thì vẫn phải mua điện ở lưới điện quốc gia”.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Nghị định phải quy định rõ những chủ thể khách hàng lớn, bổ sung các đối tượng khách hàng lớn, có tiêu chí quanh vùng; làm rõ chủ thể ‘khu công nghiệp’ nếu đại diện cho các khách hàng khu công nghiệp ủy quyền mua bán điện trực tiếp; khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất…
Bên cạnh đó, Nghị định phải quy định rõ chứng chỉ xanh, trong đó nêu rõ số lượng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo doanh nghiệp đã tiêu thụ. Đối với điều kiện tiên quyết để tham gia Cơ chế bán điện trực tiếp DPPA, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; người mua-người bán, người cung cấp dịch vụ hạ tầng, EVN, PCs và các bên khác. Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động để kịp thời điều chỉnh quy hoạch điện lực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: "Các bên bán bên mua nên có yêu cầu kỹ thuật, dùng tích năng hay thiết bị để tích điện có bắt buộc hay là điều kiện, cần suy nghĩ. Nên ưu tiên những đơn vị lưu trữ đện, tích điện. Phải có chính sách này"./.