Phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường, xanh và bền vững

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường
rau-7-1-1636162403.jpg
Trại rau thủy canh, một mô hình phát triển ở Đà Lạt

Trong phiên thảo luận của Đại hội XIII về các Văn kiện, đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đã trình bày tham luận “Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng”.

Xuất hiện lớp “nông dân thế hệ mới”

Ông Trần Đức Quận cho biết, những năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích và cả nguồn nhân lực (hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm, tăng 27,5% so với năm 2016. Năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần và giá trị sản phẩm trên 1 ha bằng 1,84 lần so với cả nước).

Lâm Đồng đã khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh với mô hình “doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đã xuất hiện “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, bỏ vốn đầu tư, chủ động khai thác thị trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 165 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 197 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và gần 17.000 hộ nông dân, giá trị sản xuất thông qua chuỗi chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Cùng với đó, có 60.200 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích, hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 3.900 ha trải đều trên 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh; có 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đây là định hướng quan trọng mở ra cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nông sản của tỉnh đã tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu. Nông sản Lâm Đồng được xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới. Hiện nay, giá trị xuất khẩu nông sản đang chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%/năm.

Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn bình yên, có bản sắc

Các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, trong đó, có nông sản Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông Trần Đức Quận nêu rõ, việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường này sẽ là những thách thức không nhỏ. Do vậy, trong giai đoạn tới, Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai kiểm soát phát triển chất lượng nông sản và nông sản chế biến; lấy thị trường làm trọng tâm để tổ chức sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới. Tiếp tục quảng bá và phát triển thương hiệu; gắn kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến với xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu là một chủ trương xuyên suốt giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ sản xuất, mở đường cho sản xuất phát triển, đặc biệt là tạo sự hợp tác và liên kết sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức lại các mô hình hợp tác một cách phù hợp, hiệu quả để tạo sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra động lực mới.

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, quy hoạch và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi; tổng kết, đánh giá các mô hình xen canh, tái canh để tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả. Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

"Quy hoạch phát triển mạnh vùng trồng cây dược liệu và phát triển ngành công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng bằng nguyên liệu tại chỗ phù hợp với điều kiện từng vùng. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống nhà kính, nhà lưới hạn chế ảnh hưởng cảnh quan, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường", ông Quận nói.

Đặc biệt là gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người nông dân tự nguyện tham gia sáng lập các mô hình kinh tế tập thể trong tổ chức xây dựng nông thôn mới tạo hiệu quả nổi trội. Nhất là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn bình yên, có bản sắc và đặc trưng của từng vùng, phát triển du lịch ở nông thôn và du lịch canh nông.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ trong việc phát triển hệ thống logistic. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và mở thêm các đường bay quốc tế đi và đến Cảng hàng không Liên Khương Đà Lạt nhằm giảm chi phí vận chuyển trong tổng chi phí sản xuất góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu./.