Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, đạo đức và thước đo năng lực của người lãnh đạo, của xã hội, doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian vừa qua, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, kịp thời, góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho một bộ phận không nhỏ người thu nhập thấp.
Tại tọa đàm về "Hiện thực hóa đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội", đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị̣, quy mô 158.000 căn, tổng diện tích hơn 8 triệu m2. 418 dự án đang được tiếp tục triển khai, quy mô 432.400 căn.
Giai đoạn 2021-2025, theo Bộ trưởng, đến hết 30/6, cả nước đã hoàn thành 46 dự án, quy mô hơn 20.200 căn. 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. 309 dự án với hơn 292.400 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tính riêng nửa đầu năm nay, cả nước khởi công 9 dự án, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 18.700 căn. Trong đó gồm 6 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở công nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn khi nửa đầu năm mới khởi công được 9 dự án. Theo Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành 428.000 căn. Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu trên đến năm 2025.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, trước tiên cần tăng cường hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp nhà ở xã hội cho người dân theo hướng: Nhà nước trực tiếp tạo lập và sở hữu nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, đặc biệt là cho thuê để chủ động điều tiết nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp, người dân trong tình huống khẩn cấp về nhà ở. Đồng thời Nhà nước cũng cần khuyến khích tối đa doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà ở xã hội.