Nương vào biển mà viết lên suy tư trước biến thiên cuộc đời

Tôi tình cờ được đọc tập thơ “Lời của chim hải âu” của Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm và rất bất ngờ, vì lâu rồi tôi mới được đọc một tập thơ cuốn hút đến thế. “Lời của chim Hải âu” (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2021) là tập thơ thứ bảy của tác giả Nguyễn Đình Tâm. Tôi được thỏa thuê trải lòng qua những câu chữ một cách tự nhiên đầy hứng khởi.

Đọc xong bài này, đến bài khác, tôi không có cảm giác muốn gấp sách lại như đã từng cầm những quyển sách thơ gần đây. Có lẽ cái tiêu đề của tập thơ đã khiến tôi chú ý về những bài thơ mà tác giả viết về biển, những bài thơ viết về biển trong tập này chiếm ưu thế. Khi đứng trước biển tác giả đã trải lòng mình bằng bài thơ chỉ có hai câu ngắn gọn về tình yêu: “Em ủ sóng vào tóc mình chờ gió/ Ta vỗ nhớ thương ở phía chân trời” (Ủ sóng), xúc tích mà vời vợi. Từ “ủ sóng” rất mới và gợi. Trong bài “Phác thảo 3” tác giả viết: “Giữ bản quyền vị mặn/ giữ bản quyền xanh biếc mênh mông/ Biển vị tha những phận đời nhỏ nhặt/ nuôi lớn những tâm hồn”. Những câu thơ đậm chất triết lý, gây xúc động mạnh trong tôi.

bia-loi-cua-chim-hai-au4576-1635095614.jpg
Bìa tập thơ Lời của chim Hải Âu

Rất dễ để nhận thấy nhà thơ là một người con của biển, yêu biển đến mê đắm, men theo mép sóng, bờ cát sải hồn mình cùng cánh hải âu trên biển trời quê hương. Biển là đối tượng để tác giả nương lòng vào đó nói lên những nghĩ suy về nhân tình thế thái, về những biến thiên của cuộc đời…

Không chỉ có biển trời quê hương mà trong thơ của Nguyễn Đình Tâm còn dạt dào tình yêu đối với gia đình. Nhất là tình cảm nhà thơ dành cho người mẹ kính quý. “Cuối năm rồi, mẹ ơi!/ Con ngồi canh lửa/ Lửa bập bùng bóng mẹ/ Lửa lẹm đáy nồi/ Lửa lẹm rát lòng con” (Canh lửa). Cái cảm giác đêm cuối năm ngồi bên bếp lửa nhớ mẹ hẳn là trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng trải qua. Nhưng phải có một tâm hồn thơ trĩu nặng nhớ thương mới chưng cất được những câu thơ trên. Từ “lẹm” được lặp lại nhiều lần như là những lát cắt vào ruột gan khi nhà thơ nghĩ đến người mẹ đã đi xa. Dù trên đầu tóc đã trắng phau nhưng nhà thơ vẫn nhớ những lời cha mẹ căn dặn mình, ông vẫn khắc cốt ghi tâm những lời gan ruột: “Cha bảo tôi/ trong than đá có lấp lánh kim cương/ Mẹ bảo tôi/ trong cát trắng có pha lê trong suốt” (Thẩm định trước sinh nhật)…

Có lẽ nhà thơ là một người có may mắn được sống và đi nhiều nơi trải nghiệm qua nhiều miền đất. Mỗi nơi tác giả tới đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng. Nhất là với Hải Phòng miền đất ông có nhiều năm sinh sống gắn bó, ông viết: “Ta lớn lên trong tiếng sóng Bạch Đằng/ trong lấm láp phù sa theo sông về biển cả/ trong âm vang những tên người, tên phố/ Lê Chân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đức Cảnh/ Tô Hiệu,…Văn Cao, Nguyên Hồng…” (Hải Phòng thành phố trái tim tôi). Phải yêu mến Hải Phòng như là quê hương thứ hai nhà thơ mới gọi tên các địa danh một cách rành rọt mà không hề thô và gượng như thế.

Xuyên suốt tập thơ chất triết lý hiển rõ, những suy tư, chiêm nghiệm của tác giả muốn nói với quê hương, muốn nói với biển, muốn nói với mẹ, muốn nói với em, với bạn bè đều được thể hiện qua những ngôn từ xúc tích, sâu, gợi… Mà ở một cảm nhận ngắn như thế này tôi không thể có đủ câu từ để chỉ ra cho hết. Chỉ biết rằng tập thơ “Lời của chim hải âu” thật ấn tượng. Nó khiến tôi phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần.

Qua tập thơ tôi không chỉ được thưởng thức “bữa tiệc” thi ca thịnh soạn mà nhà thơ bày ra bằng thứ ngôn từ rất riêng và kích thích mà tôi còn học được từ tập thơ nhiều điều về lẽ sống, về ý niệm mà nhà thơ Nguyễn Đình Tâm gửi gắm trong đó. Ông luôn canh cánh những âu lo, những nghĩ suy về nhân tình thế thái; luôn dành những chân tình, sự bao dung với biển, với người, với quê hương xứ sở, để rồi cuối cùng ông nhận ra sự thanh thản trong lòng, ông đã sống trọn tình, trọn nghĩa và tâm hồn nhẹ bẫng như cánh hải âu chao lượn trên mặt sóng ngút xanh.

Tôi xin kết thúc cảm nhận của mình bằng việc nhắc lại bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm mà tôi thích trong tập (Mật khẩu): “Mật khẩu mở hồn quê/ là tiếng ngọt ngào em “dạ”/ Là đôi cá về ở lại hóa Hòn Ngư/ Em cò trắng/ Tôi hải âu/ đập cánh/ nhẹ vì nhau/ mà mạnh cũng vì nhau”. Và để minh chứng cho điều tôi đã cảm nhận ở trên xin mời bạn đọc hãy cùng mở “mật khẩu” để bước vào tập thơ thú vị này của Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn