Nông dân Sơn La "đổi đời" nhờ trồng Thảo Quả

Đường đến Hang Chú xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La) đã không còn xa và thuận tiện hơn rất nhiều. Đường liên xã, liên thôn đã được trải bê tông, xe chạy bon bon. Người đồng bào Mông ở các bản không còn ý lại nữa, họ quyết tâm vươn lên xây dựng bản làng quê hương, bản làng giàu đẹp.

Chương trình giảm nghèo bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thay thế các cây, con có giá trị kinh tế thấp bằng các loại có giá trị kinh tế cao hơn, được tỉnh Sơn La phát động đã lan tỏa tới tận những bản làng xa xôi nhất. Bà con đồng bào Mông, họ không còn độc canh với cây ngô, cây sắn thay vào đó họ làm lúa nương, trồng các loại cây ăn quả có mũi… Đặc biệt là họ đã đưa cây thảo quả trồng dưới tán rừng. Đối với đồng bào người Mông ở đây, trồng thảo quả được 2 thứ lớn nhất là giữ được rừng và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

sl0-1676096292.png
Hang Chú, một trong những xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên (Sơn La) 

Cách đây khoảng hơn 20 năm về trước, tôi đã có dịp lên với Hang Chú, một trong các xã khó khăn nhất của tỉnh Sơn La. Hầu hết các hộ dân ở xã vùng cao này là bà con người dân tộc Mông, cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám họ. Thế nhưng trong những cái khó người vùng cao lại có một chàng trai người Mông dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi tư duy vươn lên làm giàu.

Đó là ông Giàng A Chu, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ông Chu có cánh làm khắc so với những người Mông ở trong vùng khi đó, ông vận động bà con trong bản đi theo Đảng và Nhà nước phá bỏ cây thuốc phiện, trồng thay vào đó là cây thảo quả để phát triển kinh tế. Ông Chu chia sẻ: Trước đây, khi Nhà nước dỡ bỏ cây thuốc phiện, gia đình ông cùng bà con dân bản quay sang trồng lúa, trồng ngô và nhặt quả sơn tra đi bán, dù rất cố gắng, song thu nhập thấp, cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Nghe thông tin ở các nơi khác như Lào Cai, Sa Pa, Văn Bàn người ta giàu lên nhờ thảo quả, ông đã quyết tâm tìm đến nơi để học hỏi và đưa giống thảo quả về quê hương mình trồng.

sl1-1676096435.png
Ông Giàng A Chu là người đầu tiên đưa cây thảo quả về bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trồng trong rừng già âm u mù sương, giúp phát triển kinh tế

"Tiếng gà gáy đầu tiên trong ngày, lúc đó trời cũng bắt đầu tờ mờ sáng, tôi đi xe máy rồi lên thuyền vượt qua sông Đá đi qua Quỳnh Nhai của Sơn La, rồi sang huyện Than Uyên của Lai Châu. Đến chiều, vượt gần 300 km, cuối cùng tôi cũng đến được huyện Văn Bàn. Lúc đấy đói khát, mệt lả nhưng khi nhìn thấy nương thảo quả với từng chùm lúc lỉu, đỏ mọng dưới gốc, tôi mừng muốn khóc. Tôi bốc một nắm đất xem, rồi lại xem cây cối có giống ở quê mình không. Tất cả đều giống với quê hương Hang Chú, tôi tin là cây thảo quả cũng phù hợp khi trồng tại bản mình.

sl2-1676096663.png
Nhờ cây thảo quả đã giúp gia đình ông Giàng A Chu, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu

Với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, ông đã tự mua 15 cân giống thảo quả về, mày mò nghiên cứu và hướng dẫn, giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo từ mô hình này. Từ 3 ha thảo quả đầu tiên của nhà ông, giờ ở Hang Chú diện tích thảo quả đã hơn 300ha. Đây hiện là vùng Thảo quả lớn nhất tỉnh Sơn La, thu nhập của các hộ gia đình từ mô hình này đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/ năm.

Theo ông Chư, Thảo quả là loại cây ưa sống nơi có điều kiện khí hậu ẩm ướt, nhất là những cánh rừng nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình từ 13 độ C – 15 độ C, ở độ cao khoảng 1.000m – 2.000 m so với mực nước biển. Thảo quả, cây này rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Cây lớn sau khi thu hoạch thì cắt tỉa, số cành, lá cắt tỉa bỏ xuống đất chỗ nào thì chỗ ấy cỏ không mọc lên nữa, nên không mất nhiều công làm cỏ, khá là nhàn. Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây thảo quả, ông Giàng A Chu cũng tích cực vận động và hỗ trợ nhiều hộ dân trong bản, trong xã trồng loại cây này; nhất là vận động các hộ gia đình không bán thảo quả non mà phải giữ đến khi chín mới bán để được giá cao. 

Giàng A Daư, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước kia gia đình tôi còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi được Đảng, nhà nước vận động tuyên truyền, được ông Chu bảo cánh trồng cây thảo quả, gia đình tôi đã làm theo. Nhờ trồng cây thao quả môi năm gia đình tôi có thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Gia đình giờ không phải lo đói nghèo nữa, có tiền sinh hoạt hàng ngày, có tiền lo cho con đi học. Cuộc sống ổn định, trong những năm tối gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thảo quả để tăng thêm thu nhập. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.

75 năm tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng, ông Giàng A Chu cho rằng, việc nêu gương đối với cán bộ Đảng viên, như cơm ăn nước uống hàng ngày, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Ông được người dân tín nhiệm, việc gì trong bản cũng có ông tham gia, từ phong trào thi đua yêu nước hay các hoạt động xã hội của địa phương như làm đường, vận động các gia đình cho con em đi học.

Toàn xã Hang Chú hiện có gần 320 ha thảo quả, trong đó hơn 120 ha đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch quả năm 2022, sản lượng đạt gần 315 tấn, đem lại nguồn thu hơn gần chục tỷ đồng cho bà con. Bản Pa Cư Sáng được chọn là bản sạch đẹp và giữ rừng tốt nhất trong xã. Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của bà con đang ngày một khấm khá. Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Cây thảo quả ưa sống dưới tán rừng,  khả năng sinh trưởng tốt, không phải chăm sóc nhiều, trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư. Thông qua việc hưởng lợi từ cây thảo quả còn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

sl3-1676096850.png
Nhờ cây thảo quả, cuộc sống của người dân ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên cho biết: Huyện Bắc Yên đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả; mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng; hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng mà không được phát quang các cây mọc dưới tán rừng, không được đốt các cây thảo mộc dưới tán rừng, không làm mất đi sự đa dạng sinh học của các loài cây, cỏ mọc dưới tán rừng.

Đến nay, toàn huyện Bắc Yên (Sơn La) hiện có gần 500 ha cây thảo quả, trong đó có hơn 200 ha đã cho thu hoạch. Nhờ thị trường tiêu thụ lớn, được các thương lái tìm đến thu mua nhiều, đầu ra ổn định nên thảo quả đã được chọn làm cây mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của các xã vùng cao tại Bắc Yên. Trồng thảo quả dưới tán rừng là hướng để phát triển kinh tế từ nghề rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ rừng./.

Bài và ảnh: Văn Ngọc