Cô không bàn đến ai đúng, ai sai, sai ở đâu. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chỉ muốn gửi đến các em - học trò của cô, cũng như con cô những lời thống thiết sau:
Các con thường oán bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa?
Khi người cha làm thợ xây về nhà sau một ngày dãi nắng cháy da, đôi tay sưng phù, mồ hôi đóng vẩy trên áo, thì con ông ấy đang làm gì? Lúc thì nó đang chơi điện tử, lúc nó đang mơ bộ đồ mới, lúc nó ngồi ăn bim bim nghe nhạc của thần tượng Hàn Quốc xa lạ. Nó đòi mua điện thoại cả chục triệu mà không biết, sáng nay bố nó còn nhịn đói đi làm.
Khi người mẹ làm y tá trở về nhà sau đêm trực thức trắng, phờ phạc, rời rã, từng thớ cơ như rơi rụng, thì con gái cô ấy đang làm gì? Nó có tới bóp vai cho mẹ, hỏi mẹ nổi 1 câu: “Mẹ có mệt không?” hay không? Các con hãy nhớ, mọi thứ đều phải đến từ 2 phía. Khi các con chưa biết quan tâm và biết ơn bố mẹ, thì mọi sự đòi hỏi là vô lí.
Các con thường luôn kêu gào là áp lực.
Nhưng chẳng phải kim cương khác với than đá ở chỗ nó đã chịu áp lực cực lớn hay sao? Nguyễn Du không có 10 năm “thập tải phong trần”, gia biến, lầm than, thì làm sao có “Truyện Kiều”, làm sao vang danh “đại thi hào”? Con muốn đời mình đáng giá như kim cương hay nhạt nhòa như than vụn? Tất nhiên cô không đồng tình với những áp lực đến mức phi lí, nhưng con phải hiểu rằng: Chẳng có thứ gì đến dễ dàng cả. Không học hành (học cả sách vở và đời sống) thì không thành tài! Không trải qua gian lao thì không trưởng thành! Không cho đi thì không được nhận lại! Đây là quy luật!!! Con thường trách bố mẹ không nhẹ nhàng với con, không tâm lí, lắng nghe, dịu dàng, nhẫn nại...
Thế khi đứa em nghịch cặp sách của con, con đã làm gì? Có phải con đã ngay lập tức gào thét ầm ĩ: “Cút ra chỗ khác. Tao đánh chết mày bây giờ!” hay không? Thế khi bố mẹ vừa hỏi thăm vài câu, có phải con đã gắt gỏng um lên: "Kệ con. Bố mẹ biết gì mà cứ hỏi lắm thế"? Ồ, con nói xem, rốt cuộc thì ai đáng trách?
Người lớn không phải tự dưng mà lớn
Mà là những vết chai sạn, những sẹo tổn thương, những gánh nặng... cứ lớn lên theo năm tháng. Ở cơ quan 8 tiếng, đôi khi phải chạy vào nhà vệ sinh lén lau nước mắt. Về đến nhà, bố mẹ già ốm đau cần núi tiền đi viện, cần người chăm sóc; họ hàng đình đám cần tới làm giúp; đống hóa đơn điện, nước, Internet… cần thanh toán; sắp tới giờ ăn cần tiền đi chợ; cuối học kì đến nơi - con cần tiền đóng học; bộ quần áo nhiều năm đã cũ cần mua mới; điều hòa hỏng cần thay, xe máy thủng lốp cần sửa... Đôi khi, đến ăn còn nhịn, thở còn gấp, ngủ còn tranh thủ chợp mắt... họ làm sao còn đủ thời giờ học những cách làm bố làm mẹ hiện đại nhất, mới nhất, tâm lí nhất, tiên tiến nhất?
Nhưng họ lại có 1 thứ mà dù cả tỉ người kia muốn học cả đời không làm nổi: đó là yêu thương con họ vô hạn! Thế nên, bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, con không bao giờ tìm nổi người thứ 2 yêu thương con và hi sinh vì con như thế đâu!!! Con đừng coi hành động của nam sinh lớp 11 kia là cách hay để dọa bố mẹ, để khiến bố mẹ phải hối hận, hay chí ít thì hiện tại phải chiều chuộng mình hơn!
Cha mẹ yêu con hơn cả sinh mạng họ. Nhưng con lại lợi dụng tình yêu đó để dọa nạt đấng sinh thành, con thật bất hiếu. Những tháng ngày mang thai con nặng nhọc đau đớn của mẹ, những cơn đau xé thịt ngày sinh, những mồ hôi nước mắt của cha, những hi sinh từ cha ông ngàn đời đều bị con hất đổ, con còn thêm tội bất nhân bất nghĩa. Bao nhiêu người đang ngày đêm giành giật sự sống, nhưng con lại vứt bỏ dễ dãi, con thật vô tri. Sẽ chỉ có cánh cửa địa ngục với đòn tra tấn xẻ da róc xương nấu thịt đang chờ những đứa con bất hiếu thôi!
- Nếu như phải chết khi còn trẻ, thì hãy lấy máu mình tắm lên vinh quang lá cờ Tổ quốc, hay dùng mạng mình mà cứu được người! Đừng chết 1 cách vô nghĩa như cách mà nhiều kẻ ngu muội, vô tri đang làm!
Khi cô bằng tuổi con, cũng từng bị bố mẹ đánh đòn nhiều lần, bị mắng nhiều trận...
Cô đã viết ra cả trăm trang nhật kí để đau đáu một điều: Rốt cuộc thì bố mẹ có thương mình hay không? Mình có nên sống không? Thế nhưng, khi cô ốm nặng, nằm giường bệnh giữa đêm, cô lén nghe thấy tiếng mẹ khóc, còn bố thì nói : “Dù có phải bán mạng, anh cũng sẽ lo cho con”. Lúc ấy, cô đã hiểu, sự nghiêm khắc của họ, cái roi của họ, câu mắng của họ - là một dạng đặc biệt của tình yêu!
Hãy biết đặt mình vào vị trí bố mẹ, chắc chắn thay vì oán trách, con sẽ thấy biết ơn!!! Sẽ có ngày H sẽ tha thiết mời các thầy cô vào phòng zoom để cùng chia sẻ với nhau về cách chúng ta dạy học sinh kĩ năng sống. Có mặt trên đời là hạnh phúc, phấn đâu cho một cuộc đời đẹp hơn cũng là hạnh phúc. Trong cuộc sống không thiếu điều chăng muốn, hãy bình tĩnh vượt qua, đó là bản lĩnh../.